Đoàn do Trung tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ, Cứu nạn - Bộ Quốc phòng, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai làm trưởng đoàn.
Theo Trung tướng Doãn Thái Đức, Đà Nẵng đã làm tốt công tác phòng chống thiên tai, phòng thủ dân sự, xử lý các vụ việc xảy ra trên địa bàn, nhất là trong năm 2022, thành phố đã đạt được những kết quả nổi bật.
Thành phố đã thường xuyên chủ động, rà soát, xây dựng các kế hoạch, phương án phòng tránh, ứng phó và công tác ứng trực, đối phó với các tình huống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của các cấp chính quyền và nhân dân...
Diễn biến thời tiết, thiên tai do tác động biến đổi khí hậu được dự báo rất cực đoan, khó lường. Do đó, thành phố cần tiếp tục phát huy, làm tốt hơn công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2023.
Trung tướng Doãn Thái Đức cho biết, sẽ quan tâm đến việc đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cho các tỉnh, thành phố thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nhất là Đà Nẵng, Quảng Nam...
Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sẽ cấp cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng 1 tàu dài 23m, đủ năng lực để thành phố tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ ở vùng biển ven bờ.
Cùng ngày, kiểm tra và làm việc tại Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, đoàn công tác đề nghị đơn vị cần làm tốt phương án, kế hoạch ứng phó mưa bão, phòng chống cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ... tại âu thuyền.
Về việc quá tải tàu thuyền tại âu thuyền Thọ Quang mỗi khi có bão, Trung tướng Doãn Thái Đức gợi ý, thành phố có thể nghiên cứu mở rộng khu neo đậu và liên hệ với các đơn vị quản lý khu neo đậu khác để phân bổ tàu thuyền vào phù hợp và bảo đảm an toàn.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, Đà Nẵng có 4 loại hình thiên tai thường hay xảy ra là mưa lớn, bão, ngập lụt đô thị, cháy rừng.
Những diễn biến của thiên tai ngày càng gay gắt và không phải lặp lại tần suất 10, 20, 50 ... như tính toán mà trong vài năm lại xảy ra, nhất là mưa lớn gây ngập lụt đô thị năm 2018 và 2022.
Để ứng phó với thiên tai, thành phố đang triển khai một số công việc lớn như kiện toàn ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; chỉ đạo xuyên suốt công tác phòng chống, khắc phục thiên tai; thường xuyên cập nhật phương án, kịch bản phòng chống thiên tai, nhất là các khu vực trọng điểm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cũng nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng chống thiên tai cho người dân và giao Sở Xây dựng phối hợp với các quận, huyện, phường, xã tuyên truyền người dân khơi thông các cửa thu nước mưa trên mặt đường trước mặt nhà, các cống rãnh...
Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm bổ sung phương tiện, thiết bị, dụng cụ cho các lực lượng chuyên trách để phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tham mưu UBND thành phố kinh phí để tổ chức tập huấn cho lực lượng này hằng năm cũng như về công tác hiệp đồng các đơn vị, lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn thành phố với các địa phương, đơn vị để sẵn sàng huy động lực lượng ứng phó khi có tình huống.
Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị Trung ương sớm ban hành văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Phòng thủ dân sự để sớm đưa luật này vào thực tiễn cuộc sống; bổ sung trang thiết bị chuyên ngành cho Quân khu 5 và thành phố; bổ sung hướng dẫn nội dung chi từ Quỹ phòng chống thiên tai;...