Đà Nẵng: Số ca mắc “vi khuẩn ăn thịt người” Whitmore tăng, 2 bệnh nhân tử vong

(CL&CS) - Gần 2 tháng Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận điều trị cho 29 ca bệnh Whitmore, trong đó có 2 người tử vong.

Đà Nẵng: Số ca mắc bệnh do vi khuẩn ăn thịt người Whitmore tăng mạnh, 2 bệnh nhân tử vong

Sáng 26/11, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, 2 tháng qua, số ca mắc bệnh Whitmore nhập viện tăng mạnh. Đến nay, đã có 2 trường hợp tử vong ở Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Theo Bệnh viện Đà Nẵng, từ ngày 1/1 đến hết tháng 9, đơn vị chỉ tiếp nhận 4 ca bệnh Whitmore. Tuy nhiên, từ 1/10 – 25/11, bệnh viện đã tiếp nhận 29 ca bệnh Whitmore, trong đó phần lớn đến từ Quảng Nam, một số ở Nghệ An, Quảng Ngãi và Đà Nẵng.

Trong số 29 bệnh nhân, có 3 bệnh nhân nặng nên được chuyển từ Khoa Y học nhiệt đới sang Khoa Hồi sức tích cực điều trị. Tuy nhiên, do bệnh nặng nên đã có 2 trường hợp tử vong (một trường hợp ở Quảng Nam, một trường hợp ở Quảng Ngãi).

Bệnh Whitmore (hay tên gọi khác là Melioidosis) là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomalle gây ra. Vi khuẩn B. pseudomallei sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bị nhiễm khuẩn B. pseudomallei.

Theo Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Đà Nẵng) cho biết, bệnh Whitmore thường gặp vào mùa mưa, tập trung tháng 7 – 11 hàng năm. Thời gian ủ bệnh thường 1-21 ngày, trung bình là 9 ngày.

Bệnh do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sống trong môi trường tự nhiên gây ra. Bệnh gây áp xe, hoại tử nhiều cơ quan trong đó có da. Người và động vật có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bị nhiễm vi khuẩn, do hít phải các hạt nước hoặc bụi li ti có nhiễm vi khuẩn, uống phải nguồn nước có vi khuẩn...

Mức độ nghiêm trọng của bệnh dựa vào tình trạng nhiễm trùng. Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, bệnh thận mạn tính và ung thư có nguy cơ tử vong cao hơn khi nhiễm vi khuẩn này.

Số ca mắc bệnh Whitmore nhập viện ở Đà Nẵng tăng mạnh trong 2 tháng qua

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh Whitmore. Để chủ động phòng bệnh Whitmore, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn.

- Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.

- Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.

- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

- Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch ... cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

TIN LIÊN QUAN