Tìm kiếm thị trường mới
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, thị trường khách quốc tế từng bước đa dạng hóa. Xét theo quốc tịch của khách, thị trường Thái Lan tăng trưởng mạnh so với năm 2018, vươn lên vị trí thứ ba thay thế Nhật Bản. Hiện mỗi tuần có trên 60 chuyến bay trực tiếp từ Thái Lan đến Đà Nẵng. Các thị trường khách Đài Loan, Malaysia và Canada có tỷ lệ tăng trưởng trên 50% so với cùng kỳ 2018. Một số thị trường vẫn duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định như Nhật Bản 32,98%, Mỹ 25% và Úc 23,5%.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình cho biết để hạn chế sự mất cân đối quốc tịch khách và tránh phụ thuộc vào một số thị trường khách với tour giá rẻ như Hàn Quốc và Trung Quốc, ngành du lịch Đà Nẵng đang thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường khách quốc tế. Các doanh nghiệp du lịch và hãng hàng không tích cực tham gia đa dạng hóa nguồn khách thông qua việc gia tăng khai thác các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Đà Nẵng đưa ra kế hoạch khai thác thị trường khách nội địa giai đoạn 2019-2020 và kế hoạch mở rộng thị trường khách quốc tế giai đoạn 2019-2021, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng khai thác thị trường khách Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Tây Âu và Nga. Sở Du lịch Đà Nẵng đã tổ chức và tham gia hàng loạt hội chợ, roadshow giới thiệu du lịch ở trong và ngoài nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông, Singapore, Đức, Ấn Độ, Úc, New Zealand… Các nội dung quảng bá, giới thiệu du lịch Đà Nẵng cũng được lồng ghép trong hoạt động công tác của lãnh đạo thành phố tại Nga, Séc, Áo…
Nội dung giới thiệu về du lịch Đà Nẵng được lồng ghép trong các hoạt động công tác của lãnh đạo thành phố tại Nga. |
Du lịch sinh thái gắn với cộng đồng
Bên cạnh việc xúc tiến các thị trường mới, Đà Nẵng chủ động phát triển các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với các thị trường này. Ông Nguyễn Xuân Bình cho rằng các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với cộng đồng và địa phương là những sản phẩm mà khách du lịch tàu biển rất quan tâm. Ngành du lịch sẽ phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu đầu tư những điểm du lịch mới như bán đảo Sơn Trà, làng nghề nước mắm Nam Ô hay làng rau La Hường… Cũng theo ông Bình, ngành du lịch sẽ kêu gọi đầu tư các cụm mua sắm - ẩm thực - vui chơi giải trí quy mô lớn và phù hợp với khách tàu biển và du lịch cộng đồng.
Ông Trần Văn Trường, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, cho biết địa phương này đang xúc tiến các chương trình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa truyền thống người Cơ Tu tại thôn Tà Lang - Giàn Bí, bao gồm: Phục dựng văn hóa để phát triển du lịch, tổ chức lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ người Cơ Tu của 3 thôn với các sản phẩm dệt thủ công truyền thống, mở lớp nâng cao nghệ thuật cồng chiêng, múa tung tung - da dá, hình thành các nhóm sản phẩm ẩm thực phong phú của người Cơ Tu...
Hòa Vang cũng tổ chức tập huấn kỹ năng du lịch cho người dân địa phương, huấn luyện nhóm du lịch mạo hiểm, đào tạo thuyết minh viên, quảng bá giới thiệu Lễ hội Cơ Tu tại Tà Lang - Giàn Bí và vận động người dân ra quân bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan trong làng. Huyện đang tiếp tục nhân rộng các mô hình, sản phẩm quà tặng lưu niệm đặc trưng, khôi phục kiến trúc nhà Gươl truyền thống cũng như một số lễ hội của đồng bào Cơ Tu, các nghề dệt thổ cẩm, chiếu cói…
Các chuyên gia tư vấn nhận định rằng Hòa Vang có những lợi thế và điều kiện tuyệt vời để làm du lịch cộng đồng như homestay hoặc du lịch khám phá thác ghềnh hoang sơ, cánh rừng nguyên sinh đa dạng cùng với những đặc trưng văn hóa độc đáo của đồng bào Cơ Tu… Nhưng hơn hết, để dự án du lịch cộng đồng tồn tại và phát triển phải có sự gắn kết giữa du lịch và các sản phẩm địa phương, đặc biệt là các chính sách ưu đãi để hỗ trợ đồng bào Cơ Tu vay vốn làm du lịch, tạo việc làm tại chỗ cho người dân.
Ông Dương Minh Bình - chuyên gia tư vấn Công ty phát triển Du lịch cộng đồng - cho rằng thành phố cần quy hoạch các địa điểm du lịch phù hợp, nhân rộng cách làm hiệu quả. Ông nói “cần cấm sử dụng máy hát và loa thùng làm phá vỡ không gian tĩnh lặng của khu du lịch, khuyến khích sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường”.
Du khách Thái Lan đang vượt lên vị trí thứ ba, thay thế lượng du khách Nhật Bản (mỗi tuần có hơn 60 chuyến bay từ Thái Lan đến Đà Nẵng). |
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, tổng lượng khách du lịch đến thành phố 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt 5.041.400 lượt, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó khách quốc tế đạt 1.891.312 lượt, tăng hơn 11% và khách nội địa đạt 3.150.088 lượt, tăng 7%. Thị trường Hàn Quốc đứng đầu với gần 1,1 triệu lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ 2018 và chiếm tỷ lệ áp đảo 57%. Khách Trung Quốc ước đạt 494.526 lượt, tăng 18% và chiếm 26%. Khách Thái Lan ước đạt 106.782 lượt, tăng 425%, chiếm 6%. Khách Nhật Bản ước đạt 72,037 lượt, tăng 35%, chiếm 4% . Đà Nẵng dự kiến đón 8,19 triệu lượt khách, trong đó khách nội là 5 triệu lượt, khách quốc tế 3,19 triệu lượt trong năm 2019 này. |
Minh Hằng