Chuyển đổi số đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều đề án, chính sách quan trọng nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các mô hình kinh doanh có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, trong đó có Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm ban hành các Đề án Cố đô khởi nghiệp; Đề án Phụ nữ Thừa Thiên Huế với Khởi nghiệp Sáng tạo, Giải thưởng Sáng tạo nữ Cố đô Huế,…
Bên cạnh hỗ trợ bà con có môi trường thuận lợi để phát triển các mô hình kinh doanh, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất tạo ra những sản phẩm có giá trị cao thì việc ứng dụng công nghệ thông tin và CMCN 4.0 để đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử tiêu thụ là phù hợp với xu hướng trong thời đại số ngày nay.
Đây được xem là phương pháp tối ưu tiếp cận nhanh, hiệu quả và đúng với mục tiêu của tỉnh trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt,.. góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Kim Tùng, các sàn giao dịch thương mại điện tử như Tiktok livestream bán hàng, shopee, lazada,… đã mở ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm nông nghiệp vươn xa và tiệm cận với các thị trường lớn tiềm năng. Đây là phương tiện truyền thông, thông tin đến người tiêu dùng nhanh gọn và chính xác. Trên sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng thậm chí biết được quy trình sản xuất, thông tin rõ ràng về sản phẩm, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ nhanh sản phẩm, giúp bà con có thu nhập tốt hơn
Giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản
Để việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử hiệu quả, ông Nguyễn Đức Tùng - Giám đốc Công ty X10 Digital Việt Nam, Chủ tịch CLB Chuyển đổi số Thừa Thiên Huế chia sẻ những bí quyết làm thế nào để kinh doanh thành công trên các sàn thương mại điện tử và ông Nguyễn Văn Sách - CEO Founder Công ty TNHH Truyền Thông Kỹ Thuật Ment đã hướng dẫn chiến lược livestream và quản lý bán hàng Shopee hiệu quả.
Tại Lớp tập huấn, bà con được các chuyên gia hướng dẫn đăng ký tài khoản kinh doanh, thực hành trực tiếp trên máy với các quy trình làm thế nào để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, kết nối, giao nhận để tác nghiệp trong quá trình mua bán trên các sàn thương mại điện tử. Bà con rất vui mừng và phấn khởi, chủ động chia sẻ những khó khăn trước đây khi tìm đầu ra tiêu thụ cho sản phẩm cũng như mong muốn được tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử để trao đổi, mua bán cũng như quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Theo chia sẻ của bà con nông dân, trước đây chỉ duy trì các kênh bán hàng với phương thức tiêu thụ truyền thống, thời gian đầu tiếp cận các kênh công nghệ số chưa nắm bắt quy trình bán hàng, sản phẩm chưa được quảng bá rộng rãi, hiệu quả chưa cao nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiêu thụ. Tuy nhiên với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, bà con nông phấn khởi tham gia để tiếp cận và tìm kiếm cơ hội, tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường tiêu thụ trên khắp các vùng, miền.
Sàn thương mại điện tử không chỉ là kênh tiêu thụ sản phẩm an toàn, hiệu quả, mà còn giúp xây dựng thương hiệu nông sản cho các hợp tác xã, doanh nghiệp và cả người nông dân. Với quyết tâm và nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể, tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, thời gian tới, ngành KH&CN sẽ tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với các bên liên quan hướng dẫn, đào tạo các kỹ năng số, cách thức, quy trình cũng như tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử, tạo ra những kênh phân phối mới, hiện đại, phù hợp xu thế, góp phần giúp bà con giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), việc đẩy mạnh bán hàng trên kênh thương mại điện tử có ý nghĩa quan trọng giúp đẩy nhanh tiêu thụ các mặt hàng nông sản.
Thực tế cho thấy, đưa hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử là một trong những giải pháp kịp thời giúp mở rộng kênh tiêu thụ cho nông sản, nhất là khi các kênh tiêu thụ truyền thống bị thu hẹp. Tuy nhiên, do tiêu thụ hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử là một phương thức còn khá mới mẻ với người nông dân nên cần có sự hỗ trợ nhiều hơn để họ quen với phương thức này.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới, đột phá, nâng cao hiệu quả sản xuất; thu hút sự tham gia của mọi thành phần trong chuỗi sản xuất từ người nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh vươn lên bắt kịp xu thế của tương lai.