Cùng chung tay tạo triệu lá chắn an toàn chống dịch COVID-19

(CL&CS) - Từng người hành động như thế nào để tạo thành lá chắn và cùng giảm tải cho nhân viên y tế và cơ sở y tế, là nội dung cuộc trò chuyện tiếp theo giữa Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ, bác sĩ: Dương Văn Trung (Bệnh viện Bưu điện) người sáng lập ra “bệnh viện online” có tên gọi “Bác sỹ của bạn” với Tạp chí Chất lượng và cuộc sống.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa phát động phong trào cả nước đồng lòng chống đại dịch COVID-19. Bộ Y tế phát động chương trình “Triệu lá chắn an toàn 5K + Vắc xin”.

Vậy ở góc độ y tế mỗi người dân tham gia phong trào bằng hành động này như thế nào, theo Bác sỹ? Nhiều nơi đang lúng túng với việc tổ chức sản xuất như thế nào để an toàn.

Thủ tướng đã kêu gọi  sức mạnh toàn dân tham gia chống dịch, thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Chính phủ, đặc biệt khi thực hiện giãn cách xã hội.

Trong phòng chống dịch thì quan trọng nhất là chống lây nhiễm giữa người với người, kiểm soát được con người thì cắt được lây nhiễm.

Chỉ bằng hành động tuân thủ 5K và tiêm vắc-xin của mỗi người sẽ tạo nên hàng triệu lá chắn. Tôi lưu ý là không chỉ những người chưa tiêm đang đợi tiêm mà cả những người đã tiêm văc-xin rồi cũng hãy tuân thủ 5K bảo vệ bản thân và cộng đồng trước đại dịch.

Tôi xin nhắc lại 5K mà  Bộ Y tế kêu gọi đó là: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế.

Cũng có những câu hỏi, cũng có nhiều đơn vị đang lúng túng về việc phòng chống dịch trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Câu trả lởi có thể tìm thấy trong Cuốn Cẩm nang phòng, chống Covid-19 do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) xuất bản. Cuốn sách này đã  nêu những điều cần biết về tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 và thông điệp “5K, Vaccine + Công nghệ” của Thủ tướng Chính phủ.

Cuốn cẩm nang này nêu những dấu hiệu nhận biết, các con đường lây nhiễm bệnh và cách để phòng ngừa Covid-19 cho bản thân và cộng đồng và cũng chỉ ra các biện pháp phòng dịch khi tham gia phương tiện giao thông, cách ly tại nhà và làm việc nơi công sở…

Có một nỗi lo không hề nhỏ của không ít người, đó là trong lúc nhiều khu vực đang bị phong tỏa cách ly và nhiều tỉnh thành phố đang bị giãn cách theo Chỉ thị 16, nên việc đi lại bị hạn chế, các cơ sở y tế quá tải, Người dân rất sợ đi đến bệnh viện lúc này vì nguy cơ lây nhiễm. Nếu bị bệnh lúc này thì có thể tìm sự trợ giúp ở đâu?

Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Y tế cũng như nhiều cơ quan khác cũng đã triển khai tư vấn về sức khỏe trực tuyến trên các kênh truyền thông, giúp bệnh nhân khi bị vấn đề sức khỏe có thể ngồi ở nhà mà vẫn được các chuyên gia y tế tư vấn, không phải đến bệnh viện, chỉ đến bệnh viện khi cần thiết hoặc các bệnh cấp cứu…

Còn chúng tôi, để chung tay chống dịch và hỗ trợ người dân, ngay từ khi dịch Covid 19 bắt đầu bùng phát từ cuối năm 2019 chúng tôi đã lập trên facebook “Hội sỏi thận” chuyên tư vấn từ xa khi bệnh nhân cần.

Gần đây, Covid đang bùng phát trên nhiều tỉnh thành, và với tiêu chí  là không ai bị bỏ rơi trong lúc khó khăn này, chúng tôi đã lập ra nhóm “Bác sĩ của bạn”.  “Bác sĩ của bạn” ví như một bệnh viện online không đồng với sự tham gia của nhiều các bác sĩ có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm ở hầu hết tất cả các chuyên khoa.

Nhiều giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, chuyên gia cao cấp  sẵn sàng tư vấn, hướng dẫn miễn phí cho người dân. Chúng tôi có livestream tất cả các buổi tối để tư vấn trực tuyến cho bệnh nhân.  Có những ca khó chúng tôi tập trung các bác sĩ lại để cùng nhau hội chẩn online. Chúng tôi sẽ cố gắng hết khả năng của mình để tư vấn trực tiếp cho các bạn, cũng như tổ chức tốt hoạt động của “Bệnh viện online” này. 

Với sự quá tải của các cơ sở y tế ở phía Nam hiện nay, và cũng dự phòng cho tình huống xấu ở các tỉnh khác, Bác sỹ có đóng góp ý kiến gì để giảm tải cho các nhân viên y tế?  

Vâng, dịch Covid 19 đang bùng phát dữ dội ở 1 số tỉnh thành, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, số lượng FO tăng cao, dẫn đến số lượng bệnh nhân nặng cũng nhiều lên...

Đặc biệt là khi dịch đã xuất hiện ở nhiều tỉnh thì khả năng chi viện lực lượng y tế giữa các tỉnh sẽ bị hạn chế...

Số lượng FO theo Bộ y tế thông báo ngày hôm sau tăng hơn hôm trước, trong khi nhân viên Y tế có hạn, họ đang gồng mình lên để chăm sóc bệnh nhân,  làm việc liên tục trong bộ quần áo bảo hộ nóng bức, nguy cơ lây nhiễm, và nguy cơ bị quá sức vẫn hiện hữu...

Xuất phát từ những lý do đó, để tránh áp lực cho nhân viên y tế, tôi xin đóng góp ý kiến sau:

Nhân viên y tế là đội quân tinh nhuệ là lực lượng nòng cốt tiêu diệt dịch, cho nên cần hết sức được bảo vệ sức khỏe cho họ, tránh quá sức cho nhân viên y tế...

Để làm được điều này, chúng ta có thể kêu gọi lực lượng những bệnh nhân đã mắc Covid -19 khỏi bệnh (họ đã có miễn dịch với Covid 19) tình nguyện đến các điểm nóng bùng phát dịch để hỗ trợ các công việc đơn giản cho nhân viên Y tế, sẽ làm giảm áp lực khá nhiều công việc cho họ, từ đấy họ có nhiều thời gian hơn chăm sóc y tế chuyên sâu cho các bệnh nhân nặng....

Đây cũng là cách hưởng ứng lời kêu gọi “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng chống đại dịch COVID-19”.

Chung sức đồng lòng CHÚNG TA SẼ CHIẾN THẮNG COVID 19❤

Chiến lược “5K + vaccine + thuốc + công nghệ”  là “lá chắn thép”, giúp chúng ta tự tin đương đầu với dịch bệnh COVID-19

(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ). 

TIN LIÊN QUAN