COVID-19: Thuốc Sotrovimab có thể hình thành đột biến kháng thuốc

(CL&CS) - Các nhà virus học Australia đã phát hiện thuốc điều trị COVID-19 Sotrovimab có thể khiến virus SARS-CoV-2 hình thành các đột biến kháng thuốc.

Nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về việc sử dụng thuốc điều trị COVID-19 Sotrovimab đã được công bố trên Tạp chí Y khoa New England hôm 10/3.

Phát hiện mới là kết quả phân tích 100 bệnh nhân đầu tiên sử dụng loại thuốc này ở phía Tây Sydney trong đợt bùng phát biến thể Delta vào năm 2021.

Tiến sĩ Rebecca Rockett tại khoa Bệnh truyền nhiễm của Đại học Sydney, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết 4 trong số 100 bệnh nhân này đã phát triển các đột biến kháng Sotrovimab trong khoảng thời gian 6 - 13 ngày sau khi điều trị.

Thuốc Sotrovimab có thể hình thành đột biến kháng thuốc điều trị COVID-19 (Ảnh: AFP)

Nhóm nghiên cứu cũng tiết lộ rằng sau khi phân tích toàn bộ trình tự gene của virus ở các bệnh nhân này trước và sau khi điều trị bằng Sotrovimab, họ đã phát hiện một số bệnh nhân hình thành các đột biến khiến thuốc không hoạt động hiệu quả.

Các nhà khoa học cho rằng những người đã phát triển đột biến kháng thuốc cần phải cách ly lâu hơn cho đến khi virus không còn tồn tại trong cơ thể. Đặc biệt, nếu người bệnh cách ly tại nhà, cần nỗ lực hơn nữa để tách họ với những thành viên khác trong gia đình.

Theo nghiên cứu, virus vẫn tồn tại trong cơ thể bệnh nhân mắc COVID-19 trong 24 ngày sau khi điều trị bằng thuốc Sotrovimab.

Sotrovimab được dùng qua đường tiêm, truyền trong vòng 5 ngày đầu tiên khi mắc COVID-19, là một trong số ít các kháng thể đơn dòng do con người tạo có thể nhắm mục tiêu vào biến thể Omicron dễ lây lan.

TIN LIÊN QUAN