Covid-19, hạn hán… tác động mạnh lên ngành cà phê Việt Nam năm 2020

(CL&CS) - Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2020 - 2021 có thể giảm 15% so với niên vụ 2019 – 2020. Cùng lúc đó, do tiêu thụ cà phê trên thế giới gặp khó khăn do dịch Covid-19 nên xuất khẩu cà phê Việt Nam trong quý 1 đã bị ảnh hưởng nặng nề do các đơn hàng giảm sút...

 Tính chung trong quí I, giá cà phê giảm 1.600 - 2.100 đồng/kg. Tình hình này có thể sẽ kéo sang quý 2/2020 khi những tín hiệu từ các thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn chưa có những điểm sáng khả quan.

Ngành cà phê toàn cầu “bi đát” vì Covid-19

Đại dịch Covid-19 khiến thị trường cà phê toàn cầu chịu tác động nghiêm trọng. Tại Trung Quốc, dịch bệnh bùng phát trong 2 tháng đầu năm 2020 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường cà phê Robusta toàn cầu. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cà phê lớn thứ 11 trên thế giới, ước tính nhập khẩu 2.650 nghìn bao, trị giá 9.124 triệu USD trong niên vụ 2019/20. Trong đó, nhập khẩu cà phê Robusta đứng thứ 3 thế giới, ước đạt 1.500 nghìn bao.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 hoành hành, buộc hãng Starbucks phải đóng cửa hơn 2.000 cửa hàng tại Trung Quốc vào cuối tháng 1/2020.

Không chỉ Trung Quốc, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, đặc biệt tại châu Âu và Mỹ, 2 thị trường nhập khẩu và tiêu thụ cà phê lớn trên thế giới. Điều này chắc chắn sẽ khiến nhập khẩu cà phê toàn cầu giảm do tiêu thụ giảm sâu. Trong khi đó, sản lượng cà phê niên vụ 2020 của Brazil được dự báo sẽ bội thu theo chu kỳ. Cụ thể, mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp Hà Lan Rabobank ước nước này đạt chừng 67,5 triệu bao, trong đó robusta chừng 18,5 triệu bao, lớn kỷ lục lịch sử. Do đó, thị trường nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng dư cung, gây áp lực lên giá cà phê.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo thị trường cà phê toàn cầu sẽ gặp khó khăn ít nhất đến giữa năm 2020.

Còn theo báo cáo định kỳ mới nhất phát hành tháng 3/2020 của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) cho biết, giữa dịch Covid-19, các công ty dịch vụ vận chuyển và kho bãi phải đóng cửa, một số nước xuất khẩu đã sơ bộ báo xuất khẩu giảm như Brazil, Colombia, Honduras… Trong thời gian còn lại của sáu tháng đầu năm 2020, hiện chưa có lý do gì để đoán xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng vì hai phía xuất và nhập khẩu đều giảm ký hợp đồng mới. Riêng bên nhập khẩu, các hãng rang xay lớn nhỏ tận dụng tồn kho tại chỗ và mua cà phê với các hợp đồng nhỏ vừa đủ chế biến để phục vụ giao tận nhà do tình trạng khách hàng bị… “cấm túc”.

Trong khi đó, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết, sự lây lan của Covid-19 đã bổ sung một thách thức đáng kể cho ngành cà phê toàn cầu, vốn đã trải qua một thời gian dài của giá thấp. Dự kiến thị trường cà phê toàn cầu dư thừa 1,95 triệu bao (loại 60kg) trong niên vụ 2019/20, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trước đó đã dự báo thiếu hụt 474.000 tấn. Xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm 3,7% trong tháng 3 so với một năm trước xuống 11,06 triệu bao.

Vì vậy, căn cứ vào diễn biến của dịch Covid-19 và những diễn tiến mới nhất của thị trường cà phê thế giới, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo thị trường cà phê toàn cầu sẽ gặp khó khăn ít nhất đến giữa năm 2020.

Cơ hội nào cho ngành cà phê Việt Nam?

Thống kê từ Cục Xuất nhập khẩu, ước tính xuất khẩu cà phê tháng 4/2020 đạt 170 nghìn tấn, trị giá 280 triệu USD, ổn định về lượng, nhưng giảm 0,5% về trị giá so với tháng 3/2020; tăng 18,9% về lượng và tăng 15,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung, 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cà phê đạt 659 nghìn tấn, trị giá 1,115 tỷ USD, tăng 4,5% về lượng và tăng 2,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Giá xuất khẩu cà phê bình quân tháng 4/2020 ước đạt 1.647 USD/tấn, giảm 5% so với tháng 3/2020 và giảm 3% so với tháng 4/2019. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 1.692 USD/tấn, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện giá cà phê đã trải qua một xu hướng giảm liên tục kể từ năm 2016, giảm 30% dưới mức trung bình của 10 năm qua. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên thế giới, trong đó châu Âu là nơi chịu ảnh hưởng nằng nề nhất. Để giảm lây lan nhiều nước áp dụng biện pháp cách ly hoặc giãn cách, nên nhiều quan cà phê bị đóng cửa. Tuy nhiên, không đến quán được thì người tiêu dùng vẫn có thể uống cà phê tại nhà, vì vậy, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới không giảm và kết quả xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm có tăng nhẹ.

Theo ông Lương Văn Tự kết quả xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm có tăng nhẹ.



“Trong tháng 5 hay tháng 6, nếu bỏ cách ly và các quán cà phê được mở cửa trở lại nhưng phải mất từ 2 hoặc 3 tháng mọi hoạt động mới trở lại bình thường. Như vậy dự báo xuất khẩu cà phê trong quý II/2020 sẽ vẫn duy trì ở mức của quý I, chỉ khi nào hoạt động của các quán cà phê trở lại bình thường thì nhu cầu sẽ tăng”, ông Tự, cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Tự, do giá cà phê trong nước hiện đang ở mức thấp nhất so với 10 năm trước nên có nhiều vườn cà phê ở Tây Nguyên đã giảm mật độ cây trong vườn cà phê để trồng xen loại cây trồng khác dẫn đến số lượng cây cà phê/hecta giảm. Riêng tỉnh Đắk Lắk đã chuyển 100.000 hecta để trồng cây ăn quả, mắc ca hoặc một số loại cây trồng khác nên dự báo sản lượng cà phê năm nay sẽ giảm so với năm trước.

An Nhi

Nên đọc