Công nghệ là “xương sống” giúp doanh nghiệp phát triển và tăng năng suất lao động

(CL&CS) - Vấn đề công nghệ luôn được coi là “xương sống” giúp doanh nghiệp phát triển và tăng năng suất lao động. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn bứt phá, trở thành một điểm sáng trên tiến trình làm chủ công nghệ của mình, một trong những chiến lược quan trọng đó chính là phát triển khoa học, công nghệ và không ngừng đổi mới sáng tạo.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, việc cải thiện, nâng cao năng suất lao động là vấn đề sống còn đối với quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tăng năng suất lao động đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, giúp nước ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực.

Theo báo cáo của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản khoảng 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm... Có nhiều nguyên nhân khiến mức năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới như: Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, xuất phát điểm thấp; Quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực nhưng còn chậm; Chất lượng nguồn nhân lực hạn chế... Ngoài ra, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu.

Phần lớn doanh nghiệp nước ta, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu so với mức trung bình của thế giới. Quy mô doanh nghiệp quá nhỏ bé, số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước.

Hơn nữa, các doanh nghiệp tham gia hoạt động liên quan đến sáng tạo còn hạn chế, trong khi qua nghiên cứu cho thấy, doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) có mức năng suất lao động cao hơn 19,3% so với các doanh nghiệp còn lại. 

Công nghệ là “xương sống” giúp doanh nghiệp phát triển và tăng năng suất lao động.

Vậy nên, để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng thì chìa khóa chính là nâng cao NSLĐ, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Nếu năng suất thấp sẽ là yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và tính bền vững. Do đó, thúc đẩy tăng NSLĐ hiện đang là mục tiêu quan trọng được Việt Nam chú trọng; đặc biệt là nâng cao NSLĐ trong doanh nghiệp - khu vực đóng vai trò quyết định tới nâng cao NSLĐ của toàn bộ nền kinh tế.

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là chủ trương lớn, nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Nhiều kỳ Đại hội Đảng đã xác định: Khoa học, công nghệ là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tập hợp các nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp

Theo ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN), hoạt động hỗ trợ tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ là cần thiết và quan trọng, giúp doanh nghiệp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, các hỗ trợ hiện nay của Nhà nước chưa đáp ứng kịp nhu cầu của doanh nghiệp.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đặt mục tiêu, đến năm 2030: Cơ sở dữ liệu 10.000 hồ sơ công nghệ nước ngoài được tổng hợp; 1.000 công nghệ được chuyển giao; 30 công nghệ được giải mã, làm chủ; thiết lập mạng lưới 500 đối tác công nghệ quốc tế; 70% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực trong các ngành ưu tiên có đầu tư hạ tầng nghiên cứu phát triển phục vụ chuyển giao, hấp thụ công nghệ…

Trong khi đó, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 cũng mới được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 1/2022, với mục tiêu số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15-20%/năm; năng suất lao động của doanh nghiệp sau đổi mới công nghệ tăng ít nhất 1,5-2 lần khi chưa đổi mới công nghệ…

Ngoài ra, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia cũng đang phát huy hiệu quả. Đến nay, Quỹ đã huy động được gần 800 tỷ đồng từ doanh nghiệp cho các dự án đang thực hiện thông qua các nhiệm vụ được tài trợ. Các doanh nghiệp sau khi đổi mới công nghệ tăng thêm 4.000 tỷ đồng doanh thu hàng năm, lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 300 tỷ đồng/năm (lớn hơn ngân sách Nhà nước tài trợ). Gần 50 công nghệ, giải pháp, dây chuyền và thiết bị được đổi mới, cải tiến và ứng dụng trực tiếp tại các doanh nghiệp, mang lại hiệu qủa kinh tế cao.

Ông Tạ Việt Dũng cho rằng, các chương trình nói trên và Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đã hình thành hành lang pháp lý, chuỗi hỗ trợ có hệ thống và tập hợp các nguồn lực cần thiết trong và ngoài nước để hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia nói chung.

Trong nhiều buổi làm việc với các nhà quản lý, viện, trường đại học, doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cũng đều nhấn mạnh, doanh nghiệp được xác định là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là cầu nối quan trọng trong việc chuyển hóa các thành tựu KH&CN vào cuộc sống.

Hiện nay, Bộ KH&CN đang khẩn trương triển khai các công việc để tái cơ cấu các chương trình KH&CN cấp quốc gia cho giai đoạn 5 năm và 10 năm tới. Bộ hết sức quan tâm là làm thế nào để đơn giản hoá thủ tục hành chính, tăng cường công khai minh bạch trong việc quản lý các chương trình, nỗ lực huy động tối đa các nhà khoa học, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp trong toàn quốc tham gia các chương trình KH&CN, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Trong đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao đổi mới công nghệ là nhiệm vụ quan trọng không chỉ riêng ngành KH&CN mà còn là nhiệm vụ của tất cả các ngành, các cấp, rất cần sự chủ động tham gia, tích cực và sự đồng hành xuyên suốt của tất cả các bộ, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học…

Vừa nâng cấp trình độ sử dụng công nghệ

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện năng suất Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, với một doanh nghiệp thì vấn đề công nghệ luôn được coi là “xương sống” giúp doanh nghiệp phát triển và tăng năng suất lao động. Nhưng tại Việt Nam, việc quản trị công nghệ của doanh nghiệp còn yếu và năng lực quản trị của đội ngũ cán bộ doanh nghiệp chưa theo kịp tốc độ đổi mới về công nghệ.

Chính vì vậy, “điểm nghẽn” ở đây chính là công nghệ vào rất nhanh nhưng năng lực để làm chủ công nghệ còn thấp. Do đó, để khắc phục được vấn đề trên thì yếu tố quan trọng vẫn là cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quý Phát - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quý Phát nhận định, có nhiều yếu tố giúp tăng năng suất lao động trong doanh nghiệp như chất lượng nguồn nhân lực, công nhân tay nghề cao, có chuyên môn tốt sẽ mang lại sản phẩm tốt, thời gian làm việc nhanh, ít sai lỗi... Đặc biệt, đội ngũ lãnh đạo phải có chiến lược và thực thi chiến lược nâng cao năng suất lao động thông qua chú trọng tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ; tập trung đầu tư nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, quản trị.

Ngoài ra, ông Phát cũng cho rằng cần chú trọng nâng cao ý thức, kỷ luật của người lao động. Khi có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, làm việc nghiêm túc, chịu khó học hỏi, rèn luyện tay nghề... người lao động sẽ nâng cao năng suất lao động của chính bản thân mình, tạo uy tín trong môi trường làm việc và có cơ hội để nâng cao thu nhập.

Vì vậy, cần có sự nỗ lực từ lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động để góp phần hình thành hệ ý thức, kỷ luật chung của người lao động. Đây là yêu cầu tất yếu, nếu không đáp ứng được thì người lao động có thể bị đào thải trong quá trình phát triển chung của doanh nghiệp.

Năng suất lao động gắn với đổi mới sáng tạo. chuyển đổi số

Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động còn nêu rõ, xây dựng chương trình truyền thông, phổ biến kiến thức về năng suất, cải tiến năng suất, kinh nghiệm điển hình cải tiến năng suất ở cấp quốc gia, cấp địa phương, cấp doanh nghiệp và cộng đồng.

Cùng với nhiệm vụ, giải pháp nêu trên là nhiệm vụ thúc đẩy cơ cấu lại không gian kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành; Tăng năng suất lao động ở các tiểu vùng và từng địa phương trong vùng.

Theo đó, phát triển vùng và liên kết vùng hiệu quả; Hình thành không gian phát triển các tiểu vùng phù hợp trong từng vùng kinh tế - xã hội để kết nối phát triển, phát huy lợi thế cạnh tranh và tăng năng suất lao động ở các tiểu vùng và từng địa phương trong vùng.

Đồng thời, hoàn thiện thể chế, chính sách cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Hoàn thiện thể chế phát triển công nghiệp, xây dựng Luật Phát triển công nghiệp. Rà soát cơ cấu không gian phát triển công nghiệp; hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp và chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp trong nước.

Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê để theo dõi, đánh giá diễn biến năng suất lao động gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Ngoài ra, thực hiện có hiệu quả định hướng phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên; nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế; hình thành các trung tâm dịch vụ mang tầm khu vực và thế giới về thương mại, du lịch, tài chính, logistics tại một số thành phố lớn.

TIN LIÊN QUAN