Cổ phiếu ngân hàng còn dư địa tăng trưởng lớn

(CL&CS) - Giám đốc Khối Phân tích Chứng khoán VNDirect, bà Trần Thị Khánh Hiền cho rằng, câu chuyện tăng vốn, nới room ngoại, chuyển sàn có thể dẫn dắt cổ phiếu ngân hàng trong năm 2022.

Nếu so với các ngân hàng trong khu vực thì ngân hàng Việt Nam khá hấp dẫn, do đó dư địa ngân hàng Việt Nam được định giá lại, có dư địa tăng trưởng còn khá lớn

Tại Talkshow "Năm 2022 cổ phiếu ngân hàng liệu có trở lại "ngôi vương"?" được tổ chức mới đây,  bà Trần Thị Khánh Hiền nhận định, năm 2022, mặc dù dự báo sẽ khó có sóng ngành ngân hàng nhưng sẽ có sự phân hóa. Câu chuyện tăng vốn, nới room ngoại, chuyển sàn có thể dẫn dắt cổ phiếu ngân hàng.

Đối với tăng vốn, đây là việc khá cần thiết với các ngân hàng, để đáp ứng tiêu chuẩn của Basel II. Bà Hiền cho rằng, trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cần lưu ý nhìn rõ những doanh nghiệp nào có kế hoạch tăng vốn rõ ràng, mục đích sử dụng vốn cụ thể ra sao, lịch sử sử dụng vốn trước đây có hiệu quả hay không. Không phải cứ tăng vốn là tích cực.

Còn đối với nới room ngoại, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện thiếu nhiều sản phẩm để lôi kéo nhà đầu tư nước ngoài quay lại thị trường Việt Nam. Một số ngân hàng hấp dẫn nhưng đang bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Do đó, nới room phần nào sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài quay lại chú ý thị trường.

Giám đốc phân tích của VNDirect nhận định, ngân hàng nào có khả năng đẩy mạnh tín dụng thì sẽ có lợi thế. Ngân hàng nào có khả năng đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi như bancassurance (dịch vụ bảo hiểm liên kết với ngân hàng) cũng sẽ có lợi thế.

Ngoài ra, ngân hàng nào có cho vay cá nhân nhiều thì có biên lãi suất cao hơn, trong bối cảnh lãi suất đầu ra giảm, lãi suất đầu vào thì đang có xu hướng nhích lên.

“Ngân hàng nào có chất lượng tài sản tốt cũng sẽ có cơ hội trong năm 2022”, bà Hiền khẳng định.

Về mặt định giá, Giám đốc Khối Phân tích VNDirect nhận định, hiện định giá cổ phiếu ngân hàng thấp hơn khoảng 15% của đỉnh năm 2021. Vừa qua, khi dòng tiền tập trung quá nhiều vào bất động sản, cổ phiếu vừa và nhỏ khiến định giá nhóm này lên rất cao, thì điều này lại đưa định giá ngân hàng trở nên hợp lý, hiện P/B khoảng 2 lần. Tỷ lệ sinh lời của các ngân hàng niêm yết là khoảng 18-20%.

“Nếu so với các ngân hàng khu vực thì ngân hàng Việt Nam khá hấp dẫn, do đó dư địa ngân hàng Việt Nam được định giá lại, có dư địa tăng trưởng còn khá lớn”, bà Hiền nhận định.

Trước câu hỏi: Hiện danh mục của tôi có tỷ lệ khá lớn cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên sàn UPCoM, tỷ lệ lợi nhuận cũng đạt trên 50%, tôi có nên hiện thực hóa lợi nhuận trước Tết? Hay tiếp tục nắm giữ chờ cổ phiếu đó tiếp tục tăng giá khi chuyển sàn trong năm 2022?... bà Hiền cho biết: Việc có nên chốt lãi trước Tết hay không thì còn phụ thuộc vào thói quen của mỗi nhà đầu tư. Theo đó, đầu tư là câu chuyện dài hạn giống như tích sản, do đó rất khó để đưa ra lời khuyên nên chốt lãi trước hay sau Tết.

Tuy nhiên, theo bà Hiền thì chuyện chuyển sàn là yếu tố tích cực do sàn UPCoM ít được nhà đầu tư quan tâm nên khi chuyên sàn sẽ thu hút nhà đầu tư hơn. Thêm vào đó, doanh nghiệp chuyển sàn cũng sẽ chặt chẽ hơn trong việc công bố thông tin. Đây là yếu tố tích cực và nhà đầu tư có thể chờ đợi câu chuyện này. Dĩ nhiên, điều này còn phụ thuộc vào chuyển biến của thị trường.

Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Danh Lương - thành viên HĐQT độc lập Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) nhận định, năm 2022 và các năm tới, xu hướng của ngành đang có sự lạc quan nhất định, cùng với sự phục hồi của doanh nghiệp. Gói kích cầu quy mô lớn cùng hành lang chính sách được cải thiện sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận ngân hàng.  

Cũng theo ông Lương, nợ xấu là rủi ro đáng kể nhất trong năm 2022. Tuy nhiên, ở thời điểm này, các ngân hàng Việt Nam đã khỏe hơn nhiều so với các lần khủng hoảng trước khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu nhiều ngân hàng rất cao, nhiều bank đạt trên 200%. Và khá nhiều ngân hàng trích lập 50-60% lợi nhuận trước dự phòng, để chuẩn bị cho việc nợ xấu có thể cao hơn nữa trong năm 2022. 

TIN LIÊN QUAN