Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính sáng nay (8/6), đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn TPHCM) đặt vấn đề, việc rà soát xử lý nhà đất, phương án sử dụng đất của doanh nghiệp, thực hiện cổ phần hóa vừa qua còn khó khăn, kéo dài do pháp lý đất đai phức tạp, đặc biệt là việc xác định lợi thế quyền sử dụng đất. Thêm nữa vấn đề giá khởi điểm khi thoái vốn nhưng còn nhiều cách hiểu khác nhau, còn lúng túng khi thực hiện, Bộ trưởng sẽ xử lý như thế nào về vấn đề này?
Theo Bộ trưởng Tài chính, Từ 2016 đến 2021 thì khi cổ phần hóa và bán vốn chúng ta thu được khoảng 204.000 tỷ đồng, cao điểm nhất là năm 2017 thu được khoảng 125.000 tỷ đồng. Trong 3 năm thu được rất thấp, củ thể: trong năm 2018 thu được khoảng 7.000 tỷ đồng, 2019 xuống còn hơn 5.000 tỷ đồng; năm 2021 còn thu được hơn 4.402 tỷ đồng. Đây là một vấn đề về mặt luật pháp cần được hoàn thiện. Việc sắp xếp nhà đất với cổ phần hóa, theo Nghị định của Chính phủ, tài sản của DN nếu thuê đất hàng năm thì không tính vào giá trị DN, còn nếu nộp một lần thì tính vào giá trị DN.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, vướng mắc nhất là xác định giá trị doanh nghiệp, thứ hai là phương án sử dụng đất. Theo quy định hiện hành, nếu tài sản của doanh nghiệp nhà nước gắn liền đất thuê hàng năm thì không tính vào giá trị doanh nghiệp nhưng nộp tiền đất một lần thì lại tính vào giá trị doanh nghiệp.
Khi chuyển đổi như vậy, Bộ trưởng cho rằng: dễ dẫn đến tình trạng không sát giá thị trường, tạo ra thất thoát khi tài sản nhà nước chuyển qua tài sản tư nhân. "Đây cũng là vấn đề, nút thắt lớn.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Phớc cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do trong phương án ban đầu được UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt thì là đất thuê. Tuy nhiên, doanh nghiệp nộp tiền một lần thuê đất 50 năm. Đến khi chuyển qua doanh nghiệp cổ phần hóa thì lại xin phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất với giá không sát với giá thị trường.
Ông Phớc cho biết, nếu các đại biểu Quốc hội đồng ý thì sẽ sửa lại quy định theo hướng là doanh nghiệp sử dụng đất đai theo đúng mục đích đã được phê duyệt.
Còn nếu DNCP không có nhu cầu sử dụng thì trả lại cho Nhà nước, Nhà nước sẽ thanh toán tiền tài sản trên đất lại cho DN và sau đó tổ chức đấu giá, thu về ngân sách.
Vì cổ phần hóa DNNN để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Không phải sau cổ phần hóa để giải tán doanh nghiệp, sa thải công nhân, để bán máy móc, lấy địa tô chênh lệch khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Nếu chúng ta làm được điều đó thì chắc chắn năng lực nền kinh tế, đặc biệt sức mạnh DN sẽ nâng lên. Đồng thời không khuyến khích DN nhìn khu đất có lợi thế thương mại sau đó tổ chức cổ phần hóa, Bộ trưởng Phớc nhấn mạnh.