Trên ngọn hải đăng cổ
Nằm trên đỉnh Sơn Trà với độ cao khoảng 223m so với mặt nước biển và cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 20km về hướng đông, hải đăng Tiên Sa (hay còn gọi là hải đăng Sơn Trà) là một trong những ngọn hải đăng cổ của bờ biển Việt Nam với lịch sử gần 120 năm vào năm 1902 do người Pháp xây dựng.
Ngược lại với những gì chúng tôi hình dung trên đường đi về sự hoang sơ, khô cằn, thiếu thốn của trạm điều khiển đèn biển, trạm hải đăng Sa Huỳnh là một ngôi nhà khang trang và bề thế. Nhà bếp, phòng ăn, phòng ngủ, phòng làm việc, phòng khách đều ngăn nắp, gọn gàng và sạch sẽ.
Tiếp chúng tôi là trạm phó Trần Ngọc Anh (40 tuổi, quê Nghệ An), anh đã gắn bó với ngọn hải đăng này từ nhiều năm qua. Anh vui vẻ giới thiệu cho chúng tôi từng chút một về lịch sử của ngọn hải đăng này. Cũng giống như những ngọn hải đăng khác, hải đăng Tiên Sa có đèn độc lập, mục đích là giúp tàu thuyền dễ dàng định hướng hoạt động trong vùng biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng. Với chiều cao 15,6m, rộng trung bình 2,7m, tầm nhìn địa lý là 14 hải lý, chiều cao tâm sáng là 238,4 m.
Khuôn viên xung quanh ngọn hải đăng rất rộng, nó được bao quanh bởi một khu rừng nguyên sinh với những hàng cây trải dài, chưa có bàn tay con người tác động.
Câu chuyện cởi mở và tình cảm chân thành của các anh khiến chúng tôi quên đi những mệt nhọc. Trạm phó Trần Ngọc Anh dẫn chúng tôi đi tham quan toàn bộ khu vực trạm. Từ độ cao khoảng 223m so với mặt nước biển (tính đến số 0 hải đồ), phong cảnh biển trời Đà Nẵng - Huế và Quảng Nam hiện lên đẹp diễm lệ trong nắng. Phía ngoài kia là biển cả, những con tàu nhỏ bé đang lầm lũi cỡi sóng, hình ảnh nhập nhòa với trời nước xanh ngắt.
Giờ hoạt động của hải đăng bắt đầu từ lúc 18h chiều khi hoàng hôn buông xuống và 6h sáng khi bình minh ló dạng. Vào những ngày mùa đông, giờ sáng đèn sẽ từ 5h tối cho tới sáng, sớm hơn một giờ vì điều kiện thời tiết. Trạm phó Trần Ngọc Anh giải thích thêm: “Trong điều kiện bình thường, đèn biển Sa Huỳnh vừa chớp vừa xoay một góc 360º, độ phát sáng gần 24 hải lý. Trong điều kiện thời tiết lý tưởng như thế này đèn phát huy tác dụng rất tốt, hướng dẫn hiệu quả cho tàu thuyền qua lại khu vực này. Vào mùa mưa bão, biển động, tầm nhìn xa nhiều khi dưới 0,5km, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng giữ ánh sáng cho ngọn đèn này!”.
Chúng tôi yên lặng nhìn về phía biển xa, gió lồng lộng thổi mát rượi. Trạm phó Trần Ngọc Anh nói: “Mỗi lần tàu thuyền ra khơi, những ngư dân hay những người đi biển vẫn nhìn về chiếc đèn này, như nhìn thấy đất liền. Chúng tôi tự hào vì đã mang lại cho họ sự yên tâm, mang lại niềm vui cho họ trong mỗi chuyến ra khơi. Những tàu thuyền quốc tế khi cập các cảng hay đi qua vùng này cũng đều như vậy!”.
Trên hải đăng Sơn Trà, có những người lặng lẽ cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho an toàn hàng hải. |
“4 không” ở đèn cổ
Trạm phó Trần Ngọc Anh tâm sự: “Xa gia đình nên anh em ở đây có những nỗi vất vả riêng. Sinh hoạt, đi lại khó khăn đã đành mà chuyện vui chơi giải trí cũng hầu như không có, đặc biệt văn hóa tinh thần là vấn đề vô cùng khó khăn tại đây. Tuy vậy, anh em vẫn quyết tâm giữ cho ngọn đèn hoạt động hiệu quả nhất!”.
Trạm phó Trần Ngọc Anh vừa cười vừa cho biết, ở đây có 5 anh em đều từ ngoài Bắc vào, người ở Nghệ An, người ở Hải Phòng nhưng đều coi nhau như anh em một nhà. Theo trạm phó Trần Ngọc Anh thì ở đây luôn có “4 cái không”: Không điện lưới, không nước, không sóng điện thoại và không có...phụ nữ.
Để bảo đảm đời sống, những người gác hải đăng Sơn Trà đã tự tay chăm sóc, tạo dựng một khung cảnh tuyệt đẹp ở đây. Xung quanh trạm xanh mướt những vạt rau, phía trước là cụm tiểu cảnh với những chậu kiểng dáng thế khá đẹp, được xén tỉa công phu, phía sau là những chuồng trại nuôi gà tăng gia của anh em giữ đèn. Chậu hoa giấy đang trổ những chùm hoa màu đỏ thắm rung rinh trong nắng, hòa quyện với miên man màu xanh của biển, của bạt ngàn núi đồi trùng điệp.
Hải đăng Sơn Trà. |
Bên hông nhà, những tấm pin năng lượng mặt trời được đặt cẩn thận, đây là nguồn năng lượng để đèn biển sử dụng và cũng là năng lượng cho đời sống sinh hoạt của những người canh giữ đèn biển nơi đây.
Không có nước máy hay nước sạch, những người canh giữ đèn biển phải dùng bể chứa nước mưa, hoặc mua ống để lấy nước từ trên đỉnh núi xuống, sau đó qua nhiều lần lọc chắt để có nước sạch sử dụng. Sóng điện thoại chỉ có ở trên đỉnh ngọn hải đăng nhưng rất chập chờn. Hầu như mọi liên lạc với đơn vị những người gác hải đăng đều sử dụng bộ đàm. Chiếc tivi và truyền hình K+ được cơ quan trang bị cũng chỉ dùng để xem ít phút thời sự buổi tối vì không có điện. Tất cả điện từ những tấm pin mặt trời đều được ưu tiên để sử dụng cho đèn biển.
Anh Ngọc Anh đã gắn bó với ngọn hải đăng 16 năm, vợ và hai con trai của anh chưa một lần vào thăm anh được vì gia cảnh còn nhiều khốn khó và quá xa xôi. Anh chị chỉ biết động viên nhau bằng những cánh thư miệt mài qua lại.
Có lẽ may mắn hơn là trạm trưởng Bùi Công Phương (54 tuổi) đã đưa được vợ con về thành phố này sinh sống. Nhà ở trong phố, thương mấy anh em vất vả nên thi thoảng chị cũng ghé lên thăm và mang theo ít đồ tươi để anh em gác đèn biển cải thiện cuộc sống. Có bàn tay người phụ nữ thỉnh thoảng thu vén, cuộc sống của 5 người đàn ông cũng bớt đi sự tẻ nhạt.
Mỗi tối, khi ánh đèn sáng rực chiếu ra ngoài đại dương, thì những người gác đèn biển này lại túm tụm ngồi nói chuyện, rồi đi ngủ, bởi không biết làm gì nữa. Câu chuyện của họ trong mỗi cuộc nhậu vẫn là những chủ đề về trường lớp của con cái, hay mơ màng hơn là ao ước về một mái nhà nhỏ có chồng có vợ và những đứa con quây quần bên mâm cơm mỗi tối, là đón đưa con cái đi học, là chiều cuối tuần được đi công viên... Và thể nào cũng cứ tới giữa chừng câu chuyện, thì lại có người nhớ nhà, nhớ người yêu, nhớ vợ, nhớ con, nhớ ruộng đồng bờ bãi ở miền Bắc. Rồi cứ thế từng người một lần lượt lặng lẽ đứng dậy, trèo lên hải đăng để cùng làm 1 động tác là cầm cái điện thoại di động đưa lên hạ xuống để... bắt sóng về xuôi nói chuyện với người thân, với vợ con cho đỡ nhớ.
Tiêu Dao - Thế Sơn