Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chỉ đạo không giao bài tập cho học sinh (HS) lớp 1 về nhà và tìm cách giảm tải cho các em, một số tỉnh thành cũng đang gỡ bớt “gánh nặng” đang khiến cả cô lẫn trò và phụ huynh HS lớp 1 ngán ngại. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế.
"Đúng là chương trình lớp 1 quá nặng. Các em phải tập viết chữ, phải ghép vần và đọc luôn. Vì thế, việc dạy con học như là một cuộc chiến. Tối nào con cũng phải viết một trang giấy, không còn thời gian để chơi nữa", đây là ý kiến của một phụ huynh trên một diễn đàn nhận được nhiều sự đồng tình. Còn Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu thừa nhận, “Sở GD-ĐT TP.HCM đã đi nắm tình hình thực tế tại một số trường tiểu học về việc thực hiện chương trình lớp 1 mới. Đúng như dư luận phản ánh, khó khăn trong việc triển khai thực hiện chương trình là có thật. Trong số các môn học chỉ có môn tiếng Việt được cho là khó khăn, các môn còn lại thì ổn".
Do chương trình mới, SGK có nhiều bài học khó và thời gian vừa qua vướng dịch bệnh nên nhiều giáo viên chưa đủ thời gian làm quen cũng như kinh nghiệm giảng dạy nên vô tình áp lực đã “truyền” lên cả các em rồi “lan” về nhà khi phụ huynh phải kèm con học! Để đuổi kịp chương trình, đảm bảo các em học đủ và hiểu, ở nhiều nơi đã phải tăng giờ, dạy thêm, điều hiếm có với HS lớp 1 trước đây.
Trước bức xúc của dư luận, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học/hoạt động. Kế hoạch này không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, đặc biệt "không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh".
Sáng nay, 7/10, Sở GD-ĐT TP.HCM gửi văn bản cho các trường tiểu học chỉ đạo giảm yêu cầu cần đạt cho HS lớp 1! Văn bản này nêu rõ: Riêng đối với môn tiếng Việt lớp 1, giai đoạn đầu năm học, giáo viên có thể điều chỉnh giảm yêu cầu cần đạt ở một số kỹ năng. Dạy học theo hướng phân hóa đối tượng, không đặt ra yêu cầu cần đạt chung đối với các học sinh trong lớp, tránh gây áp lực với một số em tiếp thu bài chưa tốt, chưa nhớ bài.
Nhưng nhiều nhà chuyên môn, giáo viên trực tiếp giảng dạy đặt câu hỏi sẽ giảm tải hay giảm yêu cầu như thế nào để đảm bảo cho HS học đạt và đủ theo sách giáo khoa? Theo họ, đấy mới là nguyên nhân chính của việc chương trình lớp 1 quá nặng chứ không phải do giáo viên, cách dạy hay cách tiếp thu của HS. TS Hoàng Ngọc Vinh đề nghị “Trước mắt, rất cần bộ cử chuyên gia môn học tìm hiểu thực tế dạy chương trình mới, luôn và ngay, không nên để chậm trễ, tránh dư luận hoang mang.”
Hiệu trưởng một trường tiểu học lớn ở Q.1, TP.HCM cho biết: “Cô trò đã quá vất vả với môn tiếng Việt khi phải dạy hết "âm" trong tháng 9. Trẻ chưa nhớ được hết mặt chữ này đã phải chuyển sang chữ kia. Nhiều giáo viên, phụ huynh cho biết những bài tập tiếng Việt, toán đều yêu cầu học sinh phải "đọc hiểu", vì có hiểu nghĩa mới trả lời được trong khi trẻ chưa đọc thông viết thạo. Trẻ lớp 1 chưa biết chữ nhưng vẫn phải đến lớp với cuốn sách giáo khoa môn thể dục chi chít chữ. Trong khi theo giáo viên tiểu học, trẻ không cần đến sách, vì bài tập đã được giáo viên hướng dẫn trực tiếp. Nhưng quy định vẫn là quy định!”
Chiều nay, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức giao lưu trực tuyến về vấn đề đang được dư luận quan tâm trên và câu hỏi đâu là nguyên nhân chính dẫn đến việc chương trình lớp 1, đặc biệt là môn tiếng Việt quá nặng sẽ được giải đáp phần nào.
Tuy nhiên điều mà cả giáo viên, HS lẫn phụ huynh cùng dư luận quan tâm là sẽ giải quyết vấn đề này ra sao khi lớp 1, lớp đầu đời của HS vô cùng quan trọng và ảnh hưởng lớn đến cả quá trình học sau này. Giải quyết được điều đó thì chất lượng học, hành của HS mới được nâng cao và thực chất.