Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail). Bà Nguyễn Bạch Điệp còn giữ chữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Dược phẩm FPT Long Châu (FPT Pharma) - đơn vị sở hữu chuỗi nhà thuốc Long Châu. Hiện nay, FPT Retail đang sở hữu 85,07% cổ phần tại FPT Pharma.
Báo cáo tại Đại hội cổ đông thường niên 2022 của FPT Retail, ông Hoàng Trung Kiên, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FPT Retail cho biết, trong năm 2021, công ty ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, doanh thu đạt 22.495 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 554 tỷ đồng, tăng lần lượt 53% và 1.850% so với năm trước (YoY). Trong đó, doanh thu chuỗi Long Châu đạt 3977 tỷ đồng, chiếm 17,7% cơ cấu doanh thu của công ty. Thu nhập trên cổ phiếu (EPS) đạt 5.618 đồng.
Với kết quả này, công ty chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 55% gồm 5% bằng tiền mặt (500 đồng/cổ phiếu) và 50% bằng cổ phiếu (39.490.896 cổ phiếu). Sau đợt phát hành cổ phiếu trả cổ tức, vốn điều lệ của công ty tăng lên 1.185 tỷ đồng.
Tiếp nối đà tăng trưởng của năm vừa qua, kế hoạch kinh doanh năm 2022, FPT Retail đặt doanh thu ở mức 27.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 720 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 30% YoY. Cổ tức dự kiến 10% bằng tiền mặt.
Đối với chuỗi FPT Shop, công ty sẽ dựa trên mô hình thành công trong năm 2021 để tiếp tục mở mới hơn 70 trung tâm laptop nhằm duy trì vị thế nhà bán lẻ máy tính xách tay số 1 trên thị trường. Đồng thời, công ty cũng tiếp tục mở thêm khoảng 100 cửa hàng FPT Shop nhằm tăng vùng phủ đến các khu vực quận, huyện đông dân cư.
Với mong muốn trở thành điểm đến công nghệ của khách hàng, trong năm nay, công ty sẽ đưa vào hệ thống những dịch vụ, sản phẩm mới. Đó là, thử nghiệm các điểm bán PC Gaming nhằm hoàn thiện hệ sinh thái máy tính; tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng, tốc độ phục vụ khách hàng nhằm giữ vững vị thế là nhà bán lẻ sản phẩm Apple chính hãng hàng đầu Việt Nam. Bên cạnh đó, FPT Retail nghiên cứu, triển khai mô hình kinh doanh mạng di động ảo; tham gia vào hệ sinh thái Tập đoàn FPT bằng cách mang đến từng hộ gia đình tất cả sản phẩm của Tập đoàn FPT nói chung và các sản phẩm của FPT Retail nói riêng với những ưu đãi đặc biệt cũng như dành quyền lợi cao nhất cho khách hàng trong hệ sinh thái.
Đối với chuỗi nhà thuốc Long Châu, báo cáo sơ bộ đến ngày 15/4, công ty đã có 600 cửa hàng. Ngoài việc gia tăng số lượng cửa hàng, FPT Retail còn tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống logistic phục vụ tối ưu hàng hóa. Cụ thể, công ty đã chi 123 tỷ đồng để mua 99,98% vốn điều lệ của CTCP Hữu nghị Việt Hàn, đơn vị sở hữu quỹ đất 20.000 m2 tại Hà Nội. Nơi đây, FPT Retail xây dựng kho tổng logistic phục vụ 400 - 500 cửa hàng ở miền Bắc. Sau đó, công ty tập trung đầu tư logistic ở miền Nam.
Bên cạnh đó, công ty tiếp tục phát triển 50 sản phẩm nhãn hàng riêng trong năm nay nhằm mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh.
Bà Nguyễn Bạch Điệp chia sẻ, mặc dù công ty mở rộng chuỗi cửa hàng Long Châu nhưng không tăng quy mô nhanh bằng mọi giá vì công ty vẫn đặt hiệu suất lên hàng đầu. Hiện nay, doanh thu bình quân cửa hàng Long Châu đạt 1,5 tỷ đồng/tháng, có những cửa hàng doanh thu đạt 10 tỷ đồng/tháng và dự kiến mang lại lợi nhuận 50 - 100 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Bạch Điệp còn cho biết thêm, thị trường dược phẩm đang rất rộng với 57.000 cửa hàng trên toàn quốc trong khi các chuỗi hiện nay (Long Châu, An Khang, Pharmacity) chỉ mới có 3.000 cửa hàng nên cơ hội chia đều cho các đối thủ.
Hiện nay, 80% mặt hàng tại Long Châu có giá thấp nhất thị trường bên cạnh vị trí cửa hàng, trình độ tư vấn của dược sĩ… góp phần mang lại trải nghiệm tốt cho khách hàng nên đây là chìa khóa thành công giúp Long Châu vừa mở cửa hàng nhanh, vừa có lãi.
Có lẽ điều này đã giúp cổ FRT của FPT Retail tăng đến 1.555% trong hơn 24 tháng vừa kể từ ngày 1/4/2020. Đóng cửa phiên giao dịch 15/4, FRT đạt 164.500 đồng giúp vốn hóa công ty ở mức 12.993 tỷ đồng.