Chung tay nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô

(CL&CS) - Qua gần 2 năm triển khai, đến nay phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã gặt hái được nhiều thành tựu, góp phần nâng chất lượng, giảm khoảng cách giữa các trường học trên địa bàn.

Sẻ chia để cùng nâng cao chất lượng dạy - học

Phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” được ngành GD&ĐT Hà Nội triển khai từ tháng 12/2022 trong toàn ngành nhằm đẩy mạnh sự kết nối giữa ngành GD&ĐT các quận, huyện, thị xã và các nhà trường trong việc chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Đây cũng là một giải pháp nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi nhà giáo, từng nhà trường để cùng thực hiện mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, giảm khoảng cách giữa các trường học ở các quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội.

Giáo viên các nhà trường tăng cường giao lưu, chia sẻ chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục.

Hưởng ứng phong trào, các Phòng GD&ĐT, nhà trường đã nhanh chóng vào cuộc, xây dựng kế hoạch kết nối với đơn vị bạn, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu... Là một trong những cặp đơn vị tiên phong hưởng ứng, triển khai phong trào, Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy và Phòng GD&ĐT huyện Phúc Thọ đã ký kế hoạch đến năm 2025 với lộ trình, đầu việc cụ thể. Trong đó, việc tháo gỡ khó khăn cho các thầy cô giáo trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xác định là nhiệm vụ quan trọng.

Gần 2 năm qua, 2 đơn vị đã có nhiều hoạt động kết nối, giúp giáo viên thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm dạy học, nhất là với các môn học như: Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lí (cấp Trung học cơ sở); tiếng Anh, Tin học và Công nghệ (cấp Tiểu học)... Từ nguyện vọng thực tế ở từng thời điểm, 2 bên tổ chức nhiều hội thảo, sinh hoạt chuyên đề có sự tham gia của các chuyên gia để giải đáp thắc mắc, gỡ khó cho giáo viên khi dạy các môn học mới hoặc giải quyết các tình huống sư phạm phát sinh...

Tương tự, để triển khai thực hiện hiệu quả phong trào, các trường học trên địa bàn quận Thanh Xuân đã chủ động xây dựng kế hoạch với mong muốn học hỏi thêm nhiều mô hình hay của giáo dục huyện Hoài Đức; đồng thời mong muốn lĩnh vực giáo dục sẽ là đại sứ, cầu nối mở ra mối quan hệ hợp tác ở nhiều nội dung khác giữa hai đơn vị. Đã có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm được chia sẻ từ hai phía, giúp kéo gần khoảng cách giữa địa bàn nội đô và ngoại thành.

Là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thời gian qua, các trường học trên địa bàn huyện Ba Vì thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của các đơn vị ở địa bàn quận. Theo cô giáo Đào Thị Hoa (giáo viên Trường Trung học cơ sở Khánh Thượng, huyện Ba Vì), cô đã học hỏi được nhiều từ đồng nghiệp các trường ở Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ba Đình... trong triển khai đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; xây dựng ngân hàng câu hỏi, bài kiểm tra theo yêu cầu của chương trình mới, ở các môn học mới.

Kéo gần khoảng cách

Bên cạnh các hoạt động chia sẻ, học tập trong lĩnh vực chuyên môn, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cũng là một nội dung được các quận, huyện, thị xã và các cơ sở giáo dục quan tâm. Việc cho học sinh các trường ngoại thành thăm quan học tập ở các trường nội thành và ngược lại được nhiều trường tổ chức thực hiện. Ngoài ra, các đơn vị còn tích cực hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó.

Chia sẻ về lý do triển khai phong trào, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, thực tế tại các trường học có rất nhiều mô hình, sáng kiến hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng, chỉnh trang cơ sở vật chất trường lớp và tạo điểm tựa, động lực cho học sinh khó khăn yên tâm học tập. Tuy nhiên, để tăng cường tính hiệu quả hơn nữa, Sở GD&ĐT Hà Nội mong muốn những hoạt động này thêm lan tỏa, trở thành phong trào rộng khắp, đồng thời nêu cao tính gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh và xây dựng nhà trường khang trang, an toàn.

Thực tế không phải cứ trường học ở quận thì không có khó khăn và ngược lại, nhiều trường ở địa bàn huyện lại có những sáng kiến, mô hình hay để nhân rộng. Điển hình như phong trào “Tiếng trống học bài”, khởi nguồn từ một số trường học ở huyện Ba Vì, nay đã được nhân rộng ở nhiều nơi, góp phần nêu cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc quan tâm, tạo điều kiện cho việc học tập của học sinh. Trong khi đó, với thế mạnh về việc xã hội hóa, nhiều trường học ở địa bàn quận đã huy động sự góp sức của các “mạnh thường quân” và của chính các nhà giáo để nhận nuôi, đỡ đầu hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực huyện.

Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Đỗ Văn Nam cho biết, nhiều năm trước, Hà Nội là nơi khởi nguồn của phong trào “Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn”. Giai đoạn này, với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực thông qua phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”, đội ngũ giáo viên Hà Nội tiếp tục lan tỏa nét đẹp về lòng nhân ái, nêu cao tinh thần trách nhiệm để học sinh có điều kiện học tập, sinh hoạt tốt hơn.

Không dừng lại ở việc hỗ trợ nhà trường, đồng nghiệp trong Thành phố, một số đơn vị ở Hà Nội đã lan tỏa phong trào tới tỉnh bạn với mong muốn cùng gánh đỡ đồng nghiệp những phần việc còn đang vướng. Năm học 2023 - 2024, hơn 200 thầy cô giáo thuộc 122 trường của thành phố Hà Nội đã hỗ trợ dạy hơn 2.100 tiết học trực tuyến môn tiếng Anh cho 17 trường học của tỉnh Yên Bái. Hà Nội cũng tạo điều kiện để giáo viên, học sinh lớp 12 của tỉnh Yên Bái sử dụng miễn phí tài khoản ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên ứng dụng Hanoi On.

TIN LIÊN QUAN