Đóng góp vào thanh khoản của sàn HOSE là màn “giải cứu” cổ phiếu PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt với hơn 94 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tương đương 14% vốn điều lệ của Phát Đạt. Đây là phiên thứ 18 liên tiếp cổ phiếu PDR chịu cảnh giảm sàn. Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy giúp PDR chuyển từ dư bán sàn thành dư mua trần. Trong phiên kỷ lục của PDR có sự góp mặt mua vào của nhà đầu tư nước ngoài với hơn 20 triệu cổ phiếu. Đóng cửa, PDR đạt 12.800 đồng/cổ phiếu, giảm 82,53% so với đỉnh của cổ phiếu này được thiết lập vào tháng 12/2021.
Với 64 triệu đơn vị khớp lệnh, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát xếp thứ hai về thanh khoản. Đóng cửa, HPG đạt 17.400 đồng/cổ phiếu, đây là chuỗi tăng trần khá tốt của bluechip này so với chỉ số VN-Index kể từ mức đáy của ngày 16/11. Kể từ đó đến nay, HPG tăng 46,84% còn VN-Index chỉ tăng 18,13%.
Các cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh cao tại sàn HOSE còn có VND (48 triệu cổ phiếu), DIG (46 triệu cổ phiếu), DXG (42 triệu cổ phiếu), SSI (32 triệu cổ phiếu)…
Tuy nhiên, tại sàn HOSE vẫn còn chứng kiến cổ phiếu HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát dư bán tại giá sàn hơn 70 triệu đơn vị. Hiện nay, HPX ở mức 8.510 đồng/cổ phiếu và có 13 phiên giảm sàn liên tiếp. So với giá đỉnh 40.500 đồng/cổ phiếu được thiết lập vào 29/11/2021, HPX đã giảm 79%.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/11, VN-Index đạt 1.032,16 điểm, tăng 2,63% so với phiên trước đó. Sàn HOSE có tổng cộng 1,18 tỷ cổ phiếu khớp lệnh và giao dịch thỏa thuận trị giá 18.252 tỷ đồng.
Tại sàn HNX, cổ phiếu NRC của CTCP Tập đoàn Danh Khôi cũng được giải cứu sau 7 phiên giảm sàn, tương đương mức giảm 50%, với thanh khoản lên gần 26 triệu cổ phiếu, tương đương 28% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Như vậy, kể từ khi lập đáy vào ngày 16/11 đến nay, chỉ số VN-Index đã tăng 18,13%; VN30 tăng 19,2%; HNX-Index tăng 23,6%, đặc biệt một số cổ phiếu mang tính chất đầu cơ cao như CEO tăng 127%; CSC tăng 148%, L14 tăng 184% đã hút dòng tiền tham gia thị trường trở lại.
Chia sẻ về thị trường chứng khoán giai đoạn hiện nay, ông Huỳnh Minh Tuấn, Founder FIDT nói, đà lao dốc của thị trường chứng khoán trong thời gian dài khiến nhiều nhà đầu tư chìm trong thua lỗ và dần mất niềm tin vào thị trường. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy vẫn có những dòng tiền lớn âm thầm đổ bộ vào thị trường chứng khoán.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đang thực hiện bắt đáy khi thị giá cổ phiếu giảm sâu trong giai đoạn qua. Sau chu kỳ dài gồng lỗ, cắt lỗ, khối tự doanh công ty chứng khoán cũng như các quỹ ngoại cũng đã tích cực trung bình giá khi VN-Index thủng mốc 900 điểm và nhiều cổ phiếu về vùng giá hấp dẫn so với định giá.
Thực tế các chủ doanh nghiệp, các tổ chức, quỹ đầu tư là những người am hiểu doanh nghiệp nhất. Động thái mua vào cổ phiếu có thể coi là tín hiệu tích cực thể hiện niềm tin doanh nghiệp sẽ phát triển trong tương lai. Việc mua vào cổ phiếu của các lãnh đạo doanh nghiệp cũng là nỗ lực trong việc bảo vệ doanh nghiệp trước nguy cơ bị M&A khi giá cổ phiếu đã bị giảm sâu.
Đối với những dòng tiền lớn sẽ thường tập trung vào định giá của doanh nghiệp thay vì quan tâm đến biến động ngắn hạn của thị trường. Hơn hết, dòng tiền lớn liên tục giải ngân sẽ góp phần chặn đứng đà rơi của cổ phiếu đặc biệt tại nhóm ngành bất động sản như chúng ta thấy trong những phiên gần đây từ đó tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư.
“Rủi ro vẫn còn phía trước và chuyện đoán ngắn hạn hiện nay là khó do yếu tố vĩ mô còn nhiều bất lợi và chưa rõ ràng. Tuy nhiên, với xác suất định giá thấp trong lịch sử sẽ mở ra cơ hội mang lại lợi nhuận kếch xù đối với những nhà đầu tư thông minh khi thị trường phục hồi trở lại”, ông Huỳnh Minh Tuấn kết luận.
Chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh nhận định, thị trường đang khá hưng phấn, xu hướng ngắn hạn đang tích cực. Những nhà đầu tư có kỹ năng lướt sóng thì ổn còn nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn và margin lớn thì nên tranh thủ hạ bớt. Hiện tại đang gần kháng cự nhẹ nhưng có xu hướng điều chỉnh thì sau đó mới lên lại được.