Chiều ngày 28/7, Thường trực HĐND TP. Hà Nội, UBND thành phố và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội đã tổ chức Hội nghị thống nhất nội dung kỳ họp chuyên đề của HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Sau khi trao đổi, xem xét các đề xuất, Thường trực HĐND thành phố dự kiến thời gian tổ chức kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 13) của HĐND TP. Hà Nội vào trung tuần tháng 9.
Dự kiến tại kỳ thứ 13, UBND TP. Hà Nội sẽ đề xuất các nội dung để ban hành nghị quyết gồm: Nghị quyết của HĐND thành phố sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND ngày 23/7/2013 của HĐND thành phố về một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội. Phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công. Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2023 cấp thành phố...
Vấn đề cải tạo chung cư, tập thể cũ đã được Hà Nội đặt ra từ hơn 20 năm trước, mục tiêu đến năm 2015 sẽ hoàn thành. Nhưng đến nay, mới chỉ có 19 tập thể cũ được cải tạo; 14 đang triển khai. Cuối năm 2022, thành phố Hà Nội khởi động lại đề án này, bắt đầu với những chung cư cũ cấp độ D - nguy hiểm. Và mới đây nhất là quyết định trong 3 tháng đầu năm di dời toàn bộ hộ dân khỏi nhà chung cư xuống cấp nguy hiểm.
Được biết, rất nhiều dãy chung cư cũ đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Đáng quan ngại, theo báo cáo số liệu của Sở Xây dựng, tại Hà Nội có đến 1.579 chung cư cũ (bao gồm khoảng 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và khoảng 306 chung cư cũ độc lập, đơn lẻ). Trong đó, có 6 khu chung cư, dự án nhà chung cư có nhà nguy hiểm cấp D phải phá dỡ để xây dựng lại như nhà C8 Khu tập thể Giảng Võ; nhà G6A Khu tập thể Thành Công; nhà A Khu tập thể Ngọc Khánh; 2 đơn nguyên đầu hồi Khu tập thể Bộ Tư pháp,...
Bên cạnh đó, nhiều căn biệt thự cổ thuộc nhóm 1 xây dựng trước năm 1954 tọa lạc ở những vị trí vàng trung tâm Hà Nội, đến nay đã xuống cấp và bị bỏ hoang. Một số công trình bị chuyển đổi công năng để làm nơi làm việc hoặc kinh doanh.