Theo ông Quang, hơn 20 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Masan luôn theo đuổi sứ mệnh “Phụng sự người tiêu dùng Việt Nam bằng việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ vượt trội do chính người Việt làm ra”.
"Niềm tự hào lớn nhất của mỗi thành viên Masan là 98% hộ gia đình Việt Nam đã sử dụng ít nhất một sản phẩm của Masan trong cuộc sống hằng ngày. Mãnh liệt hơn, chúng tôi luôn có khát vọng trở thành “Niềm tự hào Việt Nam” trên hành trình chinh phục các thị trường khó tính, vươn ra thế giới" - ông Quang nói.
Chủ tịch của Masan cho biết, hưởng ứng lời kêu gọị của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ NNPTNT, doanh nghiệp tham gia cùng các cơ quan nhà nước ứng dụng số hóa để thay đổi và phát triển nền nông nghiệp Việt Nam, đầu tư vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao,…
Tập đoàn Masan đặt mục tiêu đầu tư nền tảng nông nghiệp công nghệ cao - xu hướng tối ưu nhất mà các cường quốc nông nghiệp trên thế giới đang áp dụng.
Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: K.Lực. |
"Masan tiên phong đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến thế giới, hoàn thiện chuỗi nông nghiệp khép kín 3F “từ trang trại đến bàn ăn” vào chuỗi giá trị tích hợp: Sản xuất thức ăn chăn nuôi – Trang trại chăn nuôi kĩ thuật cao – Chế biến thực phẩm công nghệ Châu Âu – Hệ thống phân phối và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nhằm phục vụ các sản phẩm chất lượng cao cho gần 100 triệu người Việt Nam" - ông Quang nói thêm.
Cùng với đó, Masan luôn đặt quyền lợi của người nông dân, sự phát triển của địa phương, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường song hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp. Đó là những câu chuyện thật, nói thật và đã làm thật tại Masan.
Sở hữu nhà máy chế biến thịt mát- thương hiệu MEATDeli- đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, Masan đã hiện thực hóa “giấc mơ thịt sạch”, phụng sự người tiêu dùng Việt Nam, mang lại cho họ quyền được ăn thịt ngon, đạt chuẩn quốc tế với giá hợp túi tiền.
Để ứng phó với dịch tả lợn châu Phi, ông Quang cho biết, Masan đã xây dựng một hệ thống kiểm dịch tuân thủ nghiêm ngặt và hữu hiệu. Hệ thống phòng thủ 3 tuyến được vận hành xuyên suốt trong chuỗi liên kết từ khâu chăn nuôi, xử lý và chế biến, phân phối thịt mát MEAT Deli đến tay người tiêu dùng.
Tổ hợp chế biến thịt MEAT Hà Nam cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cho đến nay được chứng nhận Tiêu chuẩn Toàn cầu BRC trong lĩnh vực chế biến thịt tươi. Tập đoàn này cũng đang gấp rút xây dựng tổ hợp chế biến thứ 2 tại tỉnh Long An và dự kiến đưa vào hoạt động vào quý 4/2020.
Dây chuyền chế biến thịt hiện đại của Masan. Ảnh: I.T |
Nói về việc sáp nhập VinCommerce và VinEco trở thành thành viên của Tập đoàn Masan, ông Quang cho biết: Với việc sáp nhập VinComerce, Tập đoàn Masan đã tạo ra 1 nền tảng bán lẻ lớn nhất Việt Nam, dự kiến tới cuối năm 2019 là 2.888 siêu thị và cửa hàng Vinmart, Vinmart+ trên 58 các tỉnh thành cả nước.
Hệ thống này sẽ phụng sự người tiêu dùng nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi, đa đạng hóa sản phẩm. Đồng thời, tạo sân chơi công bằng, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt, hợp tác xã, hộ nông dân tiếp cận người tiêu dùng với điều kiện đảm bảo các tiêu chuẩn quy định về chất lượng hàng hóa
Cũng thông qua việc sáp nhập VinEco, Tập đoàn Masan đã sở hữu thêm hệ thống 14 trang trại công nghệ cao, sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng bên cạnh hệ thống trang trại chăn nuôi heo của Công ty. Đây là bước đi chiến lược của Masan khi hoàn thiện hệ sinh thái trồng trọt và chăn nuôi, cũng như thể hiện sứ mệnh “dốc sức toàn tâm toàn lực” vào nền nông nghiệp Việt Nam.
Từ đó, Tập đoàn đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến thực phẩm; cung cấp đến tay người tiêu dùng từ thực phẩm tươi đến thực phẩm chế biến, với tiêu chí chất lượng, an toàn, thân thiện môi trường và giá cả hợp lý. Đây là bước đi quan trọng để Masan xây dựng và phát triển nông sản thương hiệu Việt, sẵn sàng tham gia hệ thống cung ứng toàn cầu.
Dù đã đạt được nhiều thành công trong đầu tư vào nông nghiệp nhưng Chủ tịch Masan vẫn nêu một thực tế, hiện nay, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đang thực hiên theo Nghị định 57, tồn tại 2 điểm. Thứ nhất, nông nghiệp là một lĩnh vực đầu tư rất khó khăn và nhiều rủi ro, song các chính sách quy định tại Nghị định 57 chưa đủ mạnh, hấp dẫn bằng chính sách thu hút các loại hình khác đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất. Thứ hai, tuy chính sách chưa đủ mạnh nhưng nguồn lực cũng chưa hề có.
Từ thực tế đó, ông Quang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng NNPTNT xem xét sửa đổi các chính sách của Nghị định 57 sao cho phù hợp, mạnh mẽ. tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp đang tham gia lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời chính sách phải đi đôi với nguồn lực thực hiện.
Đề nghị Bộ NNPTNT, chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp cho công tác xây dựng các chuỗi sản phẩm mà một mình doanh nghiệp không thể làm được (như truyền thông hướng dẫn, kết nối người nông dân, kết nối HTX, kết nối các DN sản xuất để đảm bảo các chuỗi cung cấp nông sản Việt…).
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ NNPTNT hỗ trợ thúc đẩy nhanh việc cho phép thành lập các hiệp hội ngành nghề, góp phần tập hợp các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, có tiếng nói đại diện trong quản lý tuân thủ pháp luật, bảo bệ môi trường, phát triển bền vững và nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.
Mục tiêu của ngành nông nghiệp ngoài phục vụ cho 100 triệu người tiêu dùng trong nước, là hướng tới xuất khẩu. Rất mong Bộ NNPTNT tiếp tục định hướng mở cửa thị trường phù hợp với lợi thế và năng lực sản xuất của doanh nghiệp và người dân, hướng dẫn kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, tạo sân chơi công bằng, cạnh tranh lành mạnh và sòng phẳng giữa các doanh nghiệp Việt với nhau cũng như doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp nước ngoài.
"Chúng tôi luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng, với định hướng đúng đắn cũng như sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, sự sâu sát và thấu hiểu doanh nghiệp cũng như bà con nông dân của Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Masan cũng như các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp khác sẽ góp phần cải thiện đời sống người nông dân, tạo công ăn việc làm, an sinh xã hội, song hành với sự phát triển lớn mạnh của doanh nghiệp. Quyết tâm cùng nhau chuyển đổi mô hình nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng những mô hình sản xuất hiệu quả nhất. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt ngay từ sân nhà" - ông Quang khẳng định.
Thi Quân