Chính sách và triển vọng phát triển dịch vụ tài chính kỹ thuật số tại việt Nam

(CL&CS) - Hoạt động tài chính kỹ thuật số đã ngày càng trở nên thông dụng tại nhiều quốc gia trong những năm gần đây nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, xu thế chuyển đổi số và nhu cầu cao của thị trường, nhất là do tác động của đại dịch Covid-19 vừa qua.

Ảnh minh họa.

Các dịch vụ tài chính kỹ thuật số (DVTCKTS) chủ yếu bao gồm: các dịch vụ thanh toán (Payments); chuyển tiền xuyên biên giới (Cross-border Remittance); tín dụng (Lending); bảo hiểm (Insurance); kế hoạch tài chính và đầu tư (Investment and Financial Planning) được cung ứng bởi các Ngân hàng Fintech/ TGTT Công ty viễn thông, Công ty tài chính và các quỹ đầu tư.

Thị trường DVTCKTS đang không ngừng phát triển với 33% họat động trong lĩnh vực thanh toán và 16% họat động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng. Lý do chính dẫn đến sự tăng trưởng này là ở Việt Nam tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng ở mức cao (63% theo số liệu năm 2020), công nghệ trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng phát triển, tiệm cận với công nghệ thế giới với hạ tầng CNTT phát triển. Việt Nam có tỷ lệ cao người dân sử dụng điện thoại di động thông minh (chiếm 45% dân số) , sử dụng Internet (57% dân số), 4G phủ sóng mạnh mẽ và đang tiến tới 5G. Bên cạnh đó chính sách phí đối với các sản phẩm tài chính kỹ thuật số tại Việt Nam ngày càng hấp dẫn, thu hút khách hàng.

Hiện tượng bùng nổ phát triển DVTCKTS đã được chứng kiến trong một loạt lĩnh vực như: cho vay ngang hàng (P2P Lending); Trung gian thanh toán, Mobile Money, Tiền kỹ thuật số và xác thực điện tử.

Xu hướng tăng trưởng trên thế giới đối với cho vay ngang hàng (P2P Lending) là 30%. Thanh toán số chiếm tỷ trọng cao nhất đối với dịch vụ tài chính số tại Việt Nam. Với việc được phê duyệt thí điểm về dịch vụ Mobile Money cho các dịch vụ thanh toán giá trị nhỏ, thị trường thanh toán sẽ càng sôi động hơn với sự tham gia của các công ty viễn thông. Xác thực điện tử (Digital ID) sẽ đóng vai trò quan trọng trong cách thức cung cấp dịch vụ tài chính số tại Việt Nam. Theo ước tính của Kr-asia, thị trường P2P Lending của Việt Nam có giá trị khoảng 7,8 tỷ USD tính đến hết năm 2020 (tăng trưởng gấp 2 lần so với năm 2017). Hiện có khoảng hơn 40 đơn vị đang cung ứng dịch vụ P2P lending. Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có sức hút các nhà đầu tư tham gia rót vốn vào tiền kỹ thuật số.

Ngân hàng Nhà nước hiện đang có kế hoạch triển khai cơ chế thử nghiệm Regulatory Sandbox cho phép các Công ty Fintech có thể cung cấp một số dịch vụ Ngân hàng trong đó có dịch vụ cho vay.

Đối với dịch vụ tiền kỹ thuật số và Mobile Money, Việt Nam đã chính thức cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money) tại Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/03/2021. Hiện VNPT, Viettel và Mobifone đã tham gia thí điểm dịch vụ Mobile Money. Theo số liệu từ Bộ Thông tin và truyền thông, tính đến hết 11/2/2022, có hơn 463 nghìn khách hàng đã tham gia triển khai dịch vụ Mobile Money trong đó Viettel chiếm 87%.

Dưới tác động của Đại dịch Covid-19 số người tham gia các dịch vụ thương mại điện tử và giao dich qua internet tăng lên rõ rệt. Trước đại dịch trung bình người dân dành 3,1 giờ/ ngày để sử dụng Internet, sau đại dịch 4,2 giờ/ ngày. Hiện nay đa có tới 85% người đang sử dụng ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) ít nhất 1 lần/ tuần và 44% người bắt đầu mua sắm trên mạng xã hội kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Tiền kỹ thuật số pháp định (CBCD) hiện chưa có quy định cụ thể và văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, với bối cảnh các quốc gia hiện đang có xu hướng phát hành CBDC ví dụ như ở Trung Quốc… sẽ có ảnh hưởng khá nhiều tới quan hệ hợp tác thương mại của Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần có đánh giá và lộ trình phát triển đối với CBDC trong những năm tới.

Có xu hướng gia tăng trên các kênh thanh toán không dùng tiền mặt như: Mã QR (55%), Thẻ contactless (48%), Ví điện tử (51%), Quẹt thẻ (47%), contact less trên điện thoại (50%), Thẻ trực tuyến (45%).

Thị trường thanh toán Việt Nam có tiềm năng lớn trong thời gian tới. Theo khảo sát của Visa tại báo cáoVisa Consumer Payment Attitude Study 2021, Việt Nam  hiện đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á sau Singapore, Malaysia, Indonesia về việc ứng dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Với đặc điểm nhân khẩu học (dân số trẻ, yêu thích công nghệ) và tỷ lệ sử dụng tiền mặt còn khá cao, Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Số liệu thống kê cho thấy 89% Chấp nhận các hình thức thanh toán mới, 81% mong muốn sử dụng ứng dụng thanh toán của Ngân hàng trong thanh toán và 43% vẫn sử dụng tiền mặt như phương thức thanh toán yêu thích.

Chính sách đối với phát triển DVTCKTS đang được cập nhật và tập trung vào những vấn đề mang tính cốt lõi của tài chính kỹ thuật số như bảo mật thông tin v.v.. Với xu hướng toàn cầu hóa và phát triển về công nghệ, người sử dụng dịch vụ tài chính số ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro về việc bị đánh cắp thông tin, rủi ro về an ninh mạng… gây thiệt hại về tài chính và các hệ lụy khi rò rỉ thông tin cán nhân.

Việt Nam đã ban hành Quy định về bảo mật thông tin như: i) Luật an toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13 ii) nghị định số 117/2018/NĐ-CP về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của Tổ chức tín dụng và chi nhánh Ngân hàng nước Ngoài…. Một số dịch vụ tài chính cá nhân cần được chia sẻ thông tin cho bên thứ ba và hiện chưa có hành lang pháp lý rõ ràng về phạm vi dữ liệu có thể chia sẻ với bên thứ ba, tiêu chuẩn và hình thức thỏa thuận với khách hàng về chia sẻ thông tin.

Hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo mật thông tin cũng như phạm vi có thể cung cấp cho bên thứ ba để phát triển bền vững dịch vụ tài chính số là yêu cầu của nhiều quốc gia đang được sự quan tâm đặc biệt.

Hành lang pháp lý cho hoạt động DVTCKTS là vô cùng quan trọng đối với việc phất triển các dịch vụ này trong dài hạn. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng hành lang pháp lý này, các quy định pháp luật đối với DVTCKTS hiện đang còn phân mảnh dẫn tới việc phát triển thị trường tài chính số tại Việt Nam đang phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.

Các dịch vụ như cho vay ngang hàng (P2PLending), tiền kỹ thuật số, ngân hàng mở…. chưa có quy định, văn bản hướng dẫn cụ thể để các đơn vị cung ứng triển khai. Cũng tương tự như vậy,  cơ chế xử lý tranh chấp, khiếu nại bảo vệ Người sử dụng dịch vụ tài chính số trong trường hợp xảy ra tranh chấp vẫn còn chưa hoàn thiện.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài chính đang được bộ Tài chính khẩn trương rà soát và đưa vào kế hoạch thực hiện trong thời gian tới, trong đó có việc hoàn thiện và xây dựng hành lang pháp lý, tiêu chuẩn và văn bản hướng dẫn đối với các dịch vụ tài chính số tạo tiền đề phát triển dịch vụ tài chính kỹ thuật số toàn diện tại Việt Nam.

Một số Văn bản quy phạm pháp luật quan trọng liên quan đến phát triển DVTCKTS đã được quốc hội, Chính phủ và ngân hàng Nhà nước ban hành trong thời gian qua như: Luật giao dịch điện tử 2005 số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Quốc hội; Nghị định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng số 35/2007/NĐ-CP ngày 8/3/2007 của Chính phủ; Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt; Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/03/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile money); Nghị định số 100/NQ-CP ngày 06/9/2021 về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 -2025 v.v…

Ngoài ra ngành tài chính đang có kế hoạch xây dựng chiến lược tổng thể và dài hạn nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức về dịch vụ tài chính số;  Đẩy mạnh các chương trình marketing, truyền thông nhằm đẩy mạnh phát triển dịch vụ tài chính số, đóng góp vào việc xây dựng một nền tài chính toàn diện tại ViệtNam

TIN LIÊN QUAN