Chính sách phải nhanh để kinh tế phục hồi, doanh nghiệp không còn thời gian để chờ đợi

(CL&CS) - Phục hồi lại sản xuất kinh doanh đang là nhiệm vụ cấp bách. Nhưng quy định của chính quyền các địa phương không giống nhau, mỗi nơi một kiểu gây ra một số khó khăn nhất định cho quá trình phục hồi.

Nhà đầu tư đến nhiều tỉnh thì lại bị bắt đứng ngoài cổng

Các doanh nghiệp và hiệp hội các doanh nghiệp từ khi dịch bệnh được kiểm soát, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động sản xuất kinh doanh dần trở lại trạng thái bình thường mới, xuất khẩu cũng duy trì được tốc độ tăng cao.

“Đến thời điểm này, hầu hết DN sản xuất chế biến ngành gỗ đã hoạt động trở lại và đang đẩy nhanh tiến độ phục hồi sản xuất. Đến nay, có khoảng 70 – 75% lao động của DN ngành gỗ đã đi làm trở lại. Công suất của các DN cũng đạt tới 70 -80% so với trước dịch”, ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm nghiệp Việt Nam (VIFOREST) cho biết.

“Từ đầu tháng 10 tới nay, xuất khẩu tăng dần từng tuần, nhiều khả năng xuất khẩu gỗ sẽ đạt mục tiêu  mục tiêu 14,5 tỉ USD”, ông Lập cho biết. Nhưng để ngành gỗ hồi phục như trước đại dịch thì còn nhiều việc cần phải làm.

Nhưng khó nhất của doanh nghiệp đó là thiếu lao động và doanh nghiệp không thể chủ động được các kế hoạch sản xuất kinh doanh và nguồn lao động vì quy định chống dịch ở các địa phương lại khác nhau.

“Công nhân ở các khu công nghiệp được tiêm vắc xin, nhưng công nhân ở các tỉnh thì còn nhiều người chưa được tiêm nên khi họ trở lại nhà máy thì vẫn tiềm ẩn khả năng nhiễm bệnh cao. Đáng lo là ở một số địa phương đang có dấu hiệu gia tăng ca nhiễm” – ông Lập cho biết.

Việc các địa phương có nguy cơ tăng ca nhiễm dẫn đến việc các tỉnh có chính sách khác nhau đối với người nhiễm COVID-19 và F1, F2 nên gây nguy cơ tụt giảm lao động nếu DN có phát sinh ca nhiễm. Ở Bình Dương thì F1 được cách ly tại  nhà máy hay tại nhà, nhiều tỉnh khác thì vẫn buộc phải cách ly tập trung… “Phải đến cuối quý 1 năm 2022 mới có thể phục hồi được tình hình lao động của các DN”, ông Đỗ Xuân Lập cho hay.

“Chính sách giữa các địa phương đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn hạn chế và không phù hợp với Nghị Quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, khiến cho nỗ lực mở cửa lại kinh tế và kêu gọi đầu tư nước ngoài trở lại vẫn chưa thể thực hiện”, ông Phùng Anh Tuấn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho biết.

Theo đại diện của VAFI, Chính phủ kêu gọi và trấn an đầu tư nước ngoài nhưng các chuyến bay quốc tế chưa được khôi phục, nhà đầu tư, chuyên gia, khách du lịch hay thậm chí cả người Việt Nam ở nước ngoài cũng không thể nhập cảnh Việt Nam được trừ khi có suất bay và thị thực dạng “giải cứu”. Như vậy, việc khôi phục đầu tư rất khó.

“Vào được đến nơi thì hàng hóa và con người cũng chưa thể lưu thông liên tỉnh hiệu quả .Lãnh đạo các địa phương đi kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài nhưng nhà đầu tư đến cổng nhiều tỉnh thì lại bị bắt đứng ngoài bằng các qui định kiểm soát và cách ly kiểu cát cứ”, ông Tuấn chia sẻ.

Nhất quán, đồng bộ và nhanh mới cứu được doanh nghiệp

Các quy định khác nhau ở các địa phương chính là rào cản gây khó cho việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp.

Điều mong mỏi của doanh nghiệp chỉ đơn giản là các quy định phải căn cứ vào Nghị quyết 128 của Chính phủ và đồng bộ hóa, được thực hiện thống nhất giữa các địa phương, có như vậy doanh nghiệp mới có được kế hoạch về theo đó lên kế hoạch, chuẩn bị nguồn lao động, tổ chức phòng chống dịch và sản xuất an toàn.

DN đang đối mặt với khó khăn khi chính sách chống dịch giữa các địa phương chưa liền mạch, lao động thiếu hụt lao động do dịch chuyển giữa các tỉnh còn hạn chế.

“Phải nhịp nhàng đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, không thể tiếp tục tình trạng “trên bảo dưới chưa nghe” hay chỉ nghe một nửa, lấy lý do “đặc thù” và “chống dịch” ở địa phương mình như hiện nay”, ông Phùng Anh Tuấn nói.

Đồng thời cần tăng độ phủ vaccine và phải có một “lực lượng đặc nhiệm” – của Bộ Tư Pháp  và Ban chỉ đạo Quốc gia - chuyên rà soát và  đồng bộ chính sách, vừa loại bỏ những hạn chế không đáng có và qui định chống dịch trái Nghị quyết 128 ở địa phương.

Tuy các doanh nghiệp đã dần trở lại trạng thái bình thường mới, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại nhưng công suất chưa trở lại được như trước dịch và hiệu quả thì “kém xa so với trước đây”, còn chi phí thì tăng gấp nhiều lần trước đây, nhất là chi phí chống dịch. Rất rất nhiều người lao động và doanh nghiệp là đối tượng được hỗ trợ nhưng vẫn chưa nhận được hỗ trợ. Tiền hỗ trợ rất đáng quý trong lúc này khi  chi phí tăng cao mà doanh nghiệp đang rất khó khăn về dòng tiền.

“Chính sách có rồi nhưng thực hiện cần phải kịp thời mới mang lại hiệu quả”, ông Trần Đức Nghĩa - Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam phát biểu

 “Chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho DN, cụ thể là chính sách về tiền tệ để hỗ trợ dòng tiền cho DN. Các chính sách hỗ trợ hiện có của Chính phủ, như hỗ trợ cho người lao động có đóng bảo hiểm thất nghiệp, phải thuận lợi và được tiến hành nhanh chóng. Bằng cách đó mới cứu được các DN đang gặp khó khăn”, ông Nghĩa phát biểu.

Cũng cùng quan điểm, ông Lập nói: “Lúc này, DN rất cần tiếp sức, nên các chính sách hỗ trợ đến với doanh nghiệp càng sớm càng tốt. Chương trình phục hồi kinh tế mà Chính phủ đang xây dựng cũng cần khẩn trương được đưa ra”.

Đề nghị của đại diện logicstic và đại diện của VIFORES cũng là đề nghị của doanh nghiệp các ngành khác.

Ông Chương Nguyễn – Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM lên tiếng: “DN không được tạo điều kiện lưu thông về con người và dòng tiền thì mọi hoạt động đều phải dừng lại. Chúng tôi kiến nghị chính quyền các tỉnh và cao hơn là Chính phủ cần nhanh chóng giải quyết vấn đề đó. Các chính sách hỗ trợ cho DN cần phải triển khai rất tích cực vì DN không còn thời gian để chờ đợi vì đã suy yếu rất nhiều sau thời gian dịch bệnh kéo dài quá lâu”.

Các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp đang ngóng đợi chương trình phục hồi kinh tế mà Chính phủ đang xây dựng.

Theo TS.Võ Trí Thành - TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương CIEM, chương trình này cần đủ lớn, đủ quyết liệt, đủ nhanh, đủ hiệu lực để mang lại kết quả.

Và quá trình phục hồi cần tập trung vào 4 “lát cắt” cơ bản:

Thứ nhất, phòng chống dịch và nâng cao năng lực y tế…

Thứ hai, bên cạnh những chính sách hỗ trợ chung, cũng cần những gói hỗ trợ theo ngành, lĩnh vực dựa trên mức độ thiệt hại và mức độ đóng góp của ngành, lĩnh vực ấy, sức lan tỏa của ngành, lĩnh vực ấy khi phục hồi ...

Thứ ba, về lao động, liên quan tới các vấn đề an sinh xã hội, nhà ở xã hội,   đào tạo lao động.

Thứ tư, về hạ tầng, đầu tư đường nối các khu công nghiệp với các trục đường chính; hạ tầng giáo dục, y tế; hạ tầng số; công nghiệp, công nghệ số… Trong kế hoạch 5 năm đã trình Quốc hội và được thông qua, mỗi năm 500 - 600 nghìn tỷ.

(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

TIN LIÊN QUAN