Hội nghị được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, thành phố và hơn 3.300 xã, phường, đặc khu trong cả nước.
Dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ; thành viên Chính phủ; lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện các ban, cơ quan của Trung ương Đảng, Quốc hội; lãnh đạo các tỉnh, thành phố.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc - Ảnh: VGP
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ hoan nghênh các đồng chí tham dự Phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6/2025 - hội nghị Chính phủ đầu tiên sau cuộc cách mạng có tính lịch sử "sắp xếp lại giang sơn" và chính thức đồng loạt vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp từ 1/7/2025 tại 34 tỉnh, thành phố, 3.321 xã, phường, đặc khu trong cả nước.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ 8 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. (1) Thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; (2) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên trong năm 2025 và tạo đà, tạo lực, tạo thế tăng trưởng 2 con số những năm tới; (3) Đàm phán thuế với Hoa Kỳ và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, sản xuất; (4) Trình ban hành và tổ chức triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị cùng các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về "bộ tứ trụ cột"; (5) Chuẩn bị, phục vụ chu đáo kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV mang tính "lịch sử"; (6) Tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến đến Đại hội XIV của Đảng; (7) Tổ chức chu đáo, thành công chuỗi các sự kiện kỷ niệm lớn của dân tộc; (8) Triển khai vượt tiến độ phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước và dự kiến hoàn thành dịp kỷ niệm 80 năm thành lập nước.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá bối cảnh, tình hình, nhất là những điểm mới, điểm khác; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, 6 tháng đầu năm 2025; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; nhận định tình hình sắp tới; xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 7, quý III và thời gian còn lại của năm 2025 để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2025 và cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2025 - Ảnh: VGP
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm 2025 trong bối cảnh quốc tế đầy thách thức cho biết mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn từ cạnh tranh thương mại quốc tế, bất ổn địa chính trị, xung đột tại Ukraine, Trung Đông, căng thẳng khu vực và chính sách thuế quan của Mỹ, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực. Theo dự báo cuối tháng 5, tăng trưởng GDP Quý II ước đạt 7,67% so với cùng kỳ; 6 tháng đạt 7,31%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản 06 tháng tăng 3,85%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,18%, dịch vụ tăng 7,83%; tuy nhiên ước số liệu đến hết tháng 6 tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng có thể cao hơn 0,2- 0,3% so với dự báo, bám sát với kịch bản tại Nghị quyết số 154/NQ-CP (7,6%). Tốc độ tăng trưởng năm 2025 của Việt Nam được tiếp tục dự báo sẽ cao nhất ASEAN và thuộc nhóm dẫn đầu thế giới, khu vực. Công nghiệp chế biến, chế tạo Quý II tăng 10,65% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 10%, đạt kịch bản đề ra và thuộc số ít các năm tăng trưởng 6 tháng đạt hai con số kể từ năm 2011. Xuất khẩu 6 tháng tăng 14,4%, xuất siêu ước đạt 7,63 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Quý II tăng 9% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 9,3%; khách du lịch quốc tế 6 tháng đạt gần 10,7 triệu lượt người, tăng 20,7% so với cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội Quý II tăng 10,5% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 9,8%; tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đạt trên 21,5 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ (cao nhất từ năm 2009), vốn FDI thực hiện đạt trên 11,7 tỷ USD, tăng 8,1%. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 6 tháng đạt 152,7 nghìn doanh nghiệp, cao hơn 20% so với số rút lui khỏi thị trường (127,2 nghìn doanh nghiệp).
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng tăng 3,27% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng được cải thiện, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm. Thu NSNN 6 tháng đạt 67,7% dự toán, tăng 28,3% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 69,4% dự toán, tăng 33,3% trong bối cảnh đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất khoảng 107,7 nghìn tỷ đồng. Trong 6 tháng, có trên 127 nghìn cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, vượt 41,3% chỉ tiêu tối thiểu cả năm 2025; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận, buôn lậu, trốn thuế, nợ thuế…; tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên, kịp thời bố trí nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ cấp bách về sắp xếp tổ chức bộ máy, phát triển khoa học công nghệ, xây dựng pháp luật, miễn học phí, xây trường học khu vực biên giới… Bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt.
Tính riêng tháng 6, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt gần 24,4 nghìn doanh nghiệp, cao nhất từ trước đến nay, với tổng số vốn đăng ký gần 177 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 60,5% và 21,2% so với cùng kỳ; doanh nghiệp quay trở lại hoạt động gần 14,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 91,05%; hộ kinh doanh thanh lập mới đạt trên 124,3 nghìn hộ, tăng 118,4%... Tính chung 6 tháng, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt gần 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 89,03% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tại phiên họp Bộ trưởng cũng cho biết những thách thức đang tồn tại. Chỉ số PMI tháng 6 đạt 48,9, giảm dưới ngưỡng 50 suốt ba tháng liên tiếp, cho thấy dấu hiệu chững lại trong hoạt động sản xuất . Thị trường xuất khẩu chịu áp lực từ căng thẳng địa chính trị và các biện pháp thuế quan. Thị trường nội địa tuy tăng trưởng, nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu 12 %. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đang diễn ra phức tạp, đặc biệt trên thương mại điện tử. Đầu tư tư nhân tuy có khởi sắc, nhưng thiếu các dự án lớn, công nghệ cao. Còn tồn đọng hơn 2.300 dự án công - tư với tổng giá trị khoảng 235 tỷ USD, đang chờ chính sách tháo gỡ. Thể chế, thủ tục hành chính vẫn còn nhiều vướng mắc, cản trở sự phát triển chung.
Bộ Tài chính đã đưa ra một số nhiệm vụ ưu tiên trong tháng 7 và Quý III/2025. Thứ nhất, khẩn trương trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Thứ hai, theo dõi sát hoạt động của chính quyền 2 cấp, việc triển khai các quy định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ dứt điểm vướng mắc của địa phương, bảo đảm đồng bộ, liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện thông suốt các công việc theo thẩm quyền 2 cấp. Thứ ba, thúc đẩy đàm phán với Mỹ; tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thương mại hài hòa, bền vững với các nước. Thứ tư, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thứ năm, thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng trong nước và phát triển các động lực tăng trưởng mới. Thứ sáu, về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, hải quan; mở rộng cơ sở thu; phấn đấu thu NSNN năm 2025 tăng 15% so với dự toán, tỷ lệ động viên vào NSNN khoảng 16% GDP; tiết kiệm chi thường xuyên, phấn đấu tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên các tháng cuối năm để đầu tư xây dựng trường nội trú cho học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; bảo đảm nguồn lực cho các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chi cấp bách.
Về nội dung giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Nhờ các giải pháp quyết liệt, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là tại các Hội nghị về giải ngân vốn đầu tư công và việc hoàn thiện thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư công, tiến độ giải ngân tiếp tục tăng tốc rõ rệt. Ước giải ngân đến hết tháng 6 là 268,1 nghìn tỷ đồng, đạt 32,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2024 (28,2%), về số tuyệt đối cao hơn khoảng 80 nghìn tỷ đồng”.
Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xử lý kịp thời các vướng mắc về nguyên vật liệu của dự án, có phương án cụ thể để thi công trong mùa mưa, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của nước đến hết Quý III đạt khoảng 55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu các giải pháp điều chỉnh kế hoạch, xử lý 2,8 nghìn tỷ đồng kế hoạch đầu tư công năm 2025 còn lại chưa phân bổ của 11 bộ, cơ quan và 15 địa phương.
Toàn cảnh buổi họp - Ảnh: VGP
Phát biểu kết luận phiên họp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh đánh giá cao Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành địa phương đã chuẩn bị báo cáo và các ý kiến phát biểu tâm huyết. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ nghiêm chỉnh tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện các báo báo, dự thảo nghị quyết của phiên họp sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, Thủ tướng Chú đề nghị tập trung vào 6 nhiệm quan trọng: Xây dựng chiến lược quy hoạch; Xây dựng thể chế phù hợp đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Xây dựng cơ chế chính sách kiến tạo; Thiết kế các công cụ để giám sát kiểm tra trong quá trình thực thi pháp luật; Thường xuyên đúc kết, tổng kết xây dựng mô hình, những cách làm hay, những phương pháp làm có hiệu quả để nhân rộng phổ biến; Đề xuất thi đua khen thưởng và kỷ luật kịp thời và đúng quy định.
Về nhiệm vụ cụ thể tháng 7 và 6 tháng cuối năm 2025, Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần phải giải quyết mâu thuẫn xu hướng tăng trưởng của thế giới và khu vực thì giảm nhưng Việt Nam lại phải thúc đẩy tăng trưởng cao hơn 8% để tạo đà tăng trưởng trong thời gian tới. Trước hết cần có 3 tăng tốc. Thứ nhất là, tăng tốc tập trung xây dựng và thực thi huy động tổng đầu tư toàn xã hội của năm 2025 tăng từ 11-12% so với năm 2024, phục vụ cho tăng trưởng 8% trở lên. Thứ hai là, tăng tốc bức phá về đầu tư công, phải giải ngân 100% vốn đầu tư công trước 31/12/2025. Thứ ba là, tăng tốc nguồn lực để hoàn thành việc xoá nhà tạm nhà dột nát đối với các gia đình có công trước ngày 27/7 /2025 và toàn quốc 31/8/2025, hoàn thành vượt mức kế hoạch 100 căn nhà ở xã hội trước ngày 31/12/2025.