Nếu là người có niềm đam mê khám phá những công trình kiến trúc tâm linh cổ thì chùa Cầu Hội An ( Quảng Nam), sẽ là một điểm đến mà bạn không nên bỏ qua trong chuyến hành trình của mình.
Chùa Cầu Hội An có lịch sử hơn 400 năm và được xem là biểu tượng cho sự phồn thịnh của vùng đất Hội An xa xưa. Nơi đây có kiến trúc giao thoa giữa nhiều nền văn hoá từ Việt Nam - Trung Quốc - Nhật Bản với các chi tiết vô cùng đắt giá và chân thực.
Truyền thuyết về Chùa Cầu
Chùa Cầu Hội An được xây dựng bắc ngang qua một nhánh nhỏ của con sông Thu Bồn, là cầu nối giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Trần Phú, những tuyến đường chính của phố cổ Hội An.
Có cả một truyền thuyết về chùa Cầu lý giải tại sao lại chia thành hai phần như vậy. Theo đó, vào thế kỷ 17, các thương nhân người Nhật Bản đã góp tiền lại để dựng lên một cây cầu biểu tượng cho hình ảnh của một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật Namazu (quái vật thường quẫy đuôi tạo nên những trận động đất) để có thể chế ngự nó, giữ cho cuộc sống bình yên.
Sau một thời gian, ở sườn cầu phía bắc được dựng thêm phần chùa, nên cây cầu mới được gọi là chùa Cầu. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cầu là “Lai Viễn Kiều”, với ý nghĩa là “cầu đón khách phương xa”.
Đặc biệt, vào năm 1990 chùa Cầu được nhà nước công nhận là di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia và hình ảnh của nó vinh dự được khắc họa trên tờ tiền polymer 20.000 đồng hiện hành của Việt Nam. Đồng thời đây cũng là ngôi chùa hiếm hoi từng lọt Top 13 cây cầu đáng chiêm ngưỡng nhất thế giới.
Kiến trúc độc đáo
Thành phần chính của chùa Cầu gồm 2 phần là phần chùa và phần cầu. Ngôi chùa có diện tích khoảng 60m2 và được xây dựng để thờ vị tướng Bắc Đế Trấn Võ. Phần cầu có diện tích là 75m2, dài khoảng 18m.
Kiến trúc chùa Cầu Hội An mang đậm phong cách Nhật Bản với mái che uyển chuyển. Bộ phận này che kín cả cây cầu, cửa chính có tấm biển lớn chạm nối 3 chữ Hán “Lai Viễn Kiều”. Phần chùa ngăn cách với cầu bởi một lớp vách gỗ cùng với bộ cửa song hạ bản mang đến không gian đặc biệt.
Phần trụ và cột bên trong cầu được chạm khắc cực kì chi tiết và tinh xảo, thể hiện rõ thẩm mỹ và tín ngưỡng tôn thờ của người dân phố cổ khi xưa. Nhờ vậy đến đây bạn có thể cảm nhận được sự sầm uất, nhộn nhịp ngày xưa cũng như sự tôn thờ những tín ngưỡng các vị thần, niềm tin mãnh liệt về sức mạnh của những vị thần có thể bảo bọc và che chở những họ vượt qua được khó khăn hoặc tà ma.
Không gian Chùa trên Cầu chiếm một phần khá nhỏ, những du khách lần đầu ghé đến có thể sẽ bất ngờ vì chùa Cầu không thờ bất kì một vị Phật nào. Ngôi Chùa nằm một góc nhỏ trên cầu, với phần cửa được xây dựng theo lối kiến trúc văn hóa Trung Quốc và chạm trổ nhiều họa tiết tinh xảo. Chính giữa chùa là bức tượng vị tướng Bắc Đế Trấn Võ được làm bằng gỗ, với mong muốn cầu bình an và yên bình cho cư dân xung quanh đây.
Vừa bước vào chùa Cầu Hội An, du khách sẽ ấn tượng ngay với 2 bức tượng linh thú là tượng khỉ và tượng chó với ý nghĩ đứng chắn và ngăn cản những quái thú tấn công và xâm nhập Chùa Cầu. Những bức tượng này được làm từ gỗ mít với những đường điêu khắc tinh xảo và cực kỳ sống động, trước mỗi con là một bát lư hương.
Chùa Cầu Hội An được ví là điểm sáng của du lịch Hội An với cảnh sắc trầm mặc. Địa danh này còn chứng kiến sự thay đổi của lịch sử với vô vàn biến cố, đổi thay. Có lẽ vì vậy mà nơi đây đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan mỗi năm.
Tuy nhiên, dù đã qua 7 lần sửa chữa trước đây, nhưng trước sự bào mòn của thời gian cùng tác động của con người lẫn thiên tai, di tích hàng trăm năm tuổi này đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhất là phần mố cầu, trụ cầu bị nứt, nhiều cột và kèo bị hỏng nặng. Nhiều thanh xà gỗ đỡ mái ngói bị nứt nẻ, cong vênh, không thể khớp với nhau...Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án tu bổ di tích Chùa Cầu với tổng kinh phí 20,2 tỷ đồng.
Được biết, dự kiến dự án tu bổ di tích chùa Cầu sẽ được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 24 năm Khu phố cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999 - 4/12/2023). Tuy nhiên vào cuối tháng 12/2023 vừa qua, chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn đã yêu cầu tạm dừng, chờ lấy thêm ý kiến, đánh giá cẩn trọng, đảm bảo tính chân xác của di tích mới có thể tiếp tục hoàn thiện.