Trong căn phòng tại Trung tâm Y tế Kansai, Osaka, Nhật Bản có một cỗ máy khổng lồ với khả năng điều trị ung thư không gây đau đớn. Dựa trên nguyên lý tạo ra những dòng neutron và kiểm soát bên trong một cỗ máy gia tốc hạt giúp can thiệp trực tiếp vào cơ thể người bệnh.
Bằng nhiều phương pháp kỹ thuật đặc biệt, các bác sỹ sẽ thu lấy chùm hạt đang chuyển động với vận tốc lớn bên trong cỗ máy để hướng nó vào đầu của bệnh nhân ung thư, tại vị trí khối u mà họ vừa tìm thấy. Dòng neutron sau đó sẽ làm tan khối u - trong một phiên điều trị kéo dài khoảng 60 phút.
Theo đó, phương pháp điều trị ung thư bằng neutron có tác dụng với các loại ung thư vùng đầu cổ. Phương pháp này đã được thử nghiệm nhiều nhất đối với khối u não ác tính dạng Glioblastoma, hay u thần kinh đệm.
Đây là loại ung thư ác tính nhất trong tất cả các loại ung thư não, thậm chí tất cả các loại ung thư nói chung trên cơ thể. Trung bình, một bệnh nhân mắc Glioblastoma chỉ có thể sống được 8 tháng sau chẩn đoán. Ngay cả sau khi đã được điều trị bằng tất cả các biện pháp có thể như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị, thời gian sống sót trung bình cũng chỉ tăng lên được 14 tháng.
Tỷ lệ sống sót sau 1 năm của bệnh nhân Glioblastoma là 40%, sau 2 năm là 17%.
Tuy nhiên, trong một thử nghiệm với liệu pháp neutron tại Nhật Bản, các bệnh nhân Glioblastoma đã có thể kéo dài thời gian sống của họ lên 27,1 tháng, tỷ lệ sống sót sau 1 năm tăng lên 87,5 %, sau 2 năm là 62,5 %.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học Nhật Bản còn tiến hành thử nghiệm liệu pháp neutron với bệnh nhân ung thư da và nhận thấy tổn thương của họ thường thuyên giảm trong vòng 1 năm. Tỷ lệ đáp ứng hoàn toàn và không có biến chứng lên tới 78%, chứng minh liệu pháp neutron có thể là phương thức điều trị đầy tiềm năng đối với các khối u ung thư da hắc tố.
Ngoài ra, nhiều thử nghiệm liệu pháp Neutron đang được thực hiện và bước đầu chứng minh được tác dụng đối với bệnh ung thư phổi, ung thư vú, ung thư đại trực tràng và ung thư xương…
Với những ưu điểm vượt trội so với xạ trị tia X, năm 2020, liệu pháp Neutron đã được Bộ Y tế Nhật Bản phê duyệt và đưa vào sử dụng cho mục đích điều trị ung thư. Đây cũng là quốc gia sở hữu nhiều máy Neutron nhất thế giới, với ít nhất 7 cơ sở có khả năng điều trị ung thư theo phương pháp này bao gồm : Trung tâm Y tế Kansai, Đại học Tokyo, Bệnh viện Đa khoa Tohoku, Trung tâm Ung thư Quốc gia, Bệnh viện Edogawa, Bệnh viện Đa khoa Shonan Kamakura và Đại học Tsukaba.
Để xây dựng được một hệ máy gia tốc hạt, người Nhật cần phải chi ra 12 tỷ Yên, tương đương gần 2.000 tỷ VNĐ. Các hệ máy gia tốc rẻ hơn cũng có giá từ 500 đến 800 tỷ VNĐ, chưa kể các khoản chi phí vận hành trung tâm điều trị có thể rơi vào khoảng 25 tỷ VNĐ/năm.
Không những vậy, khoản chi phí ban đầu để xây dựng một trung tâm điều trị có hệ thống máy gia tốc dao động trong khoảng từ 40-50 triệu USD (tương đương 1.250 tỷ VNĐ). Chi phí duy trì hoạt động hàng năm vào khoảng 9-12 triệu USD, khoảng 300 tỷ VNĐ.
Trong khi đó, một đợt điều trị neutron cơ bản với khoảng 12 lần xạ kéo dài trong 3-4 tuần hiện có giá khoảng 40.000 USD, tương đương 1 tỷ VNĐ. Tuy nhiên, phần lớn các khoản chi phí này sẽ do cơ quan bảo hiểm chi trả, người bệnh sẽ chỉ phải chi một khoản tương đương 25 triệu đồng.
Các nhà khoa học Nhật Bản cho biết họ vẫn đang tiếp tục cải tiến kỹ thuật, để làm máy gia tốc hạt trở nên nhỏ gọn hơn, tạo ra dòng neutron ổn định hơn và đặc biệt, làm giàu Boron-10 và tạo ra được các loại thuốc phóng xạ có tác dụng với nhiều loại khối u khác ngoài ung thư vùng đầu cổ.
Ước tính sẽ có khoảng 1.800 máy gia tốc hạt bắt neutron sẽ được lắp đặt trên toàn thế giới từ nay đến năm 2045, đem lại lợi ích cho khoảng 20% bệnh nhân ung thư, những bệnh nhân có thể xạ trị bằng phương pháp tiên tiến này với giá cả phải chăng hơn hiện tại.