Chia sẻ yêu thương qua gameshow truyền hình

(NTD) - Vừa mang tính chất giải trí vừa chứa đựng những giá trị sâu sắc về con người và cuộc sống, nhiều gameshow hiện nay đã khẳng định được “thương hiệu” của riêng mình mà không cần phải gây sốc hay tạo dựng nhiều tình huống phản cảm để thu hút khán giả.

Sự chia tay của hàng loạt chương trình nhân ái

Sự bùng nổ của các chương trình giải trí trên sóng truyền hình đã phần nào gây ảnh hưởng rất nhiều đến các chương trình có tính chất nhân ái đã phát sóng trước đó. Những nhà tài trợ vì muốn tăng hiệu quả của việc quảng cáo, cũng chuyển đầu tư sang các chương trình giải trí. Do đó, nhiều chương trình mang tính chất thiện nguyện, nhân ái đã phải nhường sóng truyền hình cho các chương trình giải trí.

Trong sự chia tay ấy, khán giả vô cùng tiếc nuối khi hai chương trình vô cùng quen thuộc là “Vượt lên chính mình” và “Ngôi nhà mơ ước” của HTV phải ngừng phát sóng. Lên sóng truyền hình HTV7 vào năm 2005 và sau đó được phát sóng trên nhiều kênh truyền hình khác của cả nước, “Vượt lên chính mình” đã trở thành người bạn quen thuộc của khán giả cả nước vào những buổi tối cuối tuần. Với sự điều khiển chân chất, mộc mạc của người dẫn chương trình Quyền Linh, chương trình đã giúp cho rất nhiều gia đình nghèo có cơ hội được xóa nợ và được cấp vốn để tiếp tục làm ăn phát triển kinh tế. Đầu năm 2018, chương trình có sự thay đổi người dẫn chương trình, nghệ sĩ Quốc Thuận thay thế vị trí của Quyền Linh. Sau đó gần 1 năm, chương trình phải tạm ngưng phát sóng sau 14 năm vì nhiều lý do. Và đến nay vẫn chưa thấy thông tin về việc chương trình sẽ “hội ngộ” khán giả.

Cùng lên sóng vào năm 2005, chương trình “Ngôi nhà mơ ước” gắn liền với hình ảnh của Đỗ Thụy và sau đó là Phước Lập. Chương trình đã chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, những câu chuyện đầy đau khổ của các mảnh đời và qua đó chia sẻ để họ có thêm niềm tin và động lực. Trong suốt 11 năm phát sóng, “Ngôi nhà mơ ước” đã trao tặng hàng ngàn ngôi nhà đến với đồng bào nhiều nơi trong cả nước, sự chia tay của chương trình này đã để lại nhiều luyến tiếc cho khán giả.

Ngoài ra, còn rất nhiều chương trình mang ý nghĩa nhân văn khác phải chia tay với khán giả như: Lục lạc vàng, Trở về từ ký ức, Như chưa hề có cuộc chia ly… Tất nhiên rằng, vẫn có những chương trình trao tặng nhà tình thương hay học bổng cho học sinh nghèo hiếu học nhưng đó là các hoạt động xã hội, không phải các chương trình có format, kịch bản được dàn dựng công phu.

Quyền Linh và chương trình "Vượt lên chính mình".

 

Khi gameshow hướng đến sự sẻ chia

Hiện nay, tuy có rất nhiều gameshow bị khán giả lên án vì nội dung nhảm nhí, kém chuẩn mực nhưng không thể phủ nhận rằng vẫn có nhiều gameshow được đầu tư đàng hoàng, chỉn chu. Bên cạnh những gameshow được chắt lọc về mặt nội dung thì những gameshow hướng đến tinh thần nhân ái và sự sẻ chia cũng nhận được rất nhiều quan tâm của khán giả.

Nổi bật nhất trong số đó, phải kể đến chương trình “Người bí ẩn”. Đây không chỉ là chương trình giới thiệu đến khán giả những tài năng đặc biệt trong các lĩnh vực xiếc, công phu, ảo thuật… mà gần đây chương trình còn hướng đến những con người có những câu chuyện truyền cảm hứng. Đó là câu chuyện về tình thương của thầy giáo Đặng Văn Cương khi nhận nuôi cậu bé tí hon K’Rể hay câu chuyện đầy cảm động của người mẹ Cấn Thị Ngần đã hiến tặng nội tạng của con trai để cứu sống 5 mạng người. Mới đây nhất là câu chuyện đầy nghị lực của cô gái Bế Thị Băng đã vượt qua nghịch cảnh để có thể đứng vững trên một chân và nhảy múa điêu luyện. Không dừng lại ở đó, ở mỗi cuối chương trình đều có phần trao tặng tiền thưởng cho những nhân vật có câu chuyện hay nhất và thậm chí có nhiều hoàn cảnh khiến các nghệ sĩ vô cùng xúc động và trích tiền riêng của mình ra để hỗ trợ.

Cô gái một chân đầy nghị lực tham gia "Người bí ẩn".

Chương trình “Hát mãi ước mơ” cũng không ít lần lấy đi nước mắt của khán giả. Đây là một chương trình khá đặc biệt, thí sinh đăng ký dự thi sẽ giới thiệu đến ban tổ chức một hoàn cảnh khó khăn và sau đó sẽ lên sân khấu, dùng tài năng ca hát của mình để ủng hộ hoàn cảnh đó, càng được vào sâu vòng trong thì số tiền nhận được sẽ càng lớn. Điều đặc biệt ở chương trình này là thí sinh dự thi đôi khi là một người cũng có hoàn cảnh khó khăn không kém gì hoàn cảnh được giới thiệu.

Tương tự như vậy, ở chương trình “Mãi mãi thanh xuân”, những nhân vật xuất hiện là người đã lớn tuổi nhưng họ vẫn lao động kiếm sống hằng ngày. Và ở họ có những câu chuyện mà ít ai ngờ đến nhưng điều quan trọng nhất chính là tâm hồn vẫn “mãi mãi thanh xuân” của họ, không mặc cảm tuổi tác, họ vẫn vui vẻ, tươi cười và hết lòng vì những công việc mà mình đang làm. Bên cạnh những phần quà của chương trình dành cho nhân vật, các nghệ sĩ tham gia cũng thường xuyên dành tiền riêng của mình để trao tặng cho các hoàn cảnh đặc biệt.

Thí sinh khiếm thị trong chương trình "Hát mãi ước mơ".

Còn phải kể đến chương trình “Lời chưa nói”, dành cho các nhân vật tham gia có cơ hội để nói những lời cảm ơn, xin lỗi hoặc những tâm sự chưa từng nói với những người thân như ông bà, cha mẹ, anh chị em…

Nhờ có những chương trình mang thông điệp nhân ái, yêu thương, không đơn thuần chỉ mang đến những món quà có giá trị vật chất mà chính những nhân vật và câu chuyện của họ là những món quà mang giá trị tinh thần dành cho khán giả. Chính từ đó, chúng ta cảm nhận được rằng cuộc sống này vẫn còn tồn tại nhiều điều mang giá trị cao quý và đáng trân trọng. Vì thế, cần nên chú trọng đầu tư kịch bản để những chương trình nhân ái không đơn thuần là cho - nhận, mà khán giả có thể khám phá ra nhiều điều thú vị khác. Có như vậy thì các gameshow sẽ có cả giải trí lẫn giá trị nhân văn, đáp ứng được nhu cầu đa dạng cho khán giả.

Đức Tiến

Nên đọc
 

Tiết mục nuốt rắn của nghệ nhân múa bóng rỗi Lê Minh Hùng 60 tuổi trong "Mãi mãi thanh xuân".