Chia sẻ lợi ích để ngành cà phê vượt qua "bão giá"

(CL&CS) - Tình trạng “xù” hợp đồng khi giá cà phê liên tục tăng cao có dấu hiệu lan rộng đang đe dọa nghiêm trọng tới uy tín của ngành cà phê Việt Nam, đòi hỏi sớm có giải pháp để giữ vững uy tín cũng như giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp trong ngành.

Cần có sự chia sẻ lợi ích giữa các thành phần trong chuỗi giá trị cà phê. Ảnh: ST

Doanh nghiệp lao đao trong giá tăng cao

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, trong 6 tháng đầu niên vụ cà phê 2023-2024 (từ tháng 10/2023 đến 3/2024), Việt Nam xuất khẩu 956.000 tấn cà phê, trị giá hơn 3 tỷ USD. Riêng trong tháng 3/2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 185.000 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu khoảng 680,86 triệu USD, giảm 11,9% về lượng nhưng tăng 41,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Kể từ đầu niên vụ mới đến nay, giá cà phê trong nước liên tục ghi nhận mức đỉnh mới, hiện đã ở mức 107.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với mức 58.000 đồng/kg hồi đầu niên vụ.

Ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Vicofa:

Nguồn cung hạn chế có thể sẽ đẩy giá cà phê tiếp tục tăng thêm, có khả năng sẽ lên mức 120.000 đồng/kg và việc thu mua của các DN chế biến, xuất khẩu càng khó khăn hơn. DN thương mại ký kết hợp đồng mua xa, bán xa sẽ vô cùng rủi ro.

Trái với niềm vui của người nông dân khi bán được cà phê với giá cao, tăng thêm thu nhập, giá tăng nhanh khiến các DN rơi vào cảnh lao đao khi phải huy động nguồn vốn lớn hơn, trong khi hạn mức tín dụng của các ngân hàng dành cho DN không tăng. Giá tăng cũng đi kèm với mức rủi ro tăng lên cho các DN thu mua hàng để xuất khẩu thông qua các đại lý, thương lái.

“Đã có hiện tượng đại lý thu mua và DN thu mua giao hàng không đúng thời hạn quy định trong hợp đồng gây thiệt hại lớn cho người mua và làm mất uy tín của ngành cà phê Việt Nam” – ông Đỗ Hà Nam lo lắng. Thậm chí, tình trạng này có dấu hiệu lan rộng, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh ngành cà phê. Có DN còn phản ánh tình trạng một số nhà cung ứng không giao hàng theo hợp đồng mà bán cho đối tác khác với giá cao hơn. Đây là một tiền lệ xấu cần phải lên án vì có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của ngành cà phê Việt Nam.

Từ góc độ DN, ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cà phê Vĩnh Hiệp nhận định, những năm trước, giá cà phê luôn ở mức thấp khiến nhiều diện tích đã bị chuyển đổi sang loại cây trồng khác, nhưng chưa được khảo sát, đánh giá cụ thể dẫn tới nhận định sai về tổng sản lượng. Theo đó, sản lượng cà phê thực tế thấp hơn tính toán. “Nguồn cung hạn chế có thể sẽ đẩy giá cà phê tiếp tục tăng thêm, có khả năng sẽ lên mức 120.000 đồng/kg và việc thu mua của các DN chế biến, xuất khẩu càng khó khăn hơn. DN thương mại ký kết hợp đồng mua xa, bán xa sẽ vô cùng rủi ro”, ông Thái Như Hiệp dự báo.

Một số DN như Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, Công ty TNHH Cà phê Ngon đã phải tính tới việc tìm nguồn cung thay thế từ nước khác để sản xuất. Ông Nam cũng thông tin, do nguồn cung thiếu hụt, trong niên vụ 2022-2023, Việt Nam đã phải nhập khẩu 200.000 tấn cà phê. Dự báo tình trạng này có thể sẽ còn gia tăng trong năm nay do lượng tồn kho trong nước đang cạn dần.

Loại bỏ những “con sâu”

Theo Vicofa, cần nhanh chóng có giải pháp đảm bảo sự bền vững cho chuỗi cung ứng cà phê, thực thi các hợp đồng đã ký kết và ổn định giá cà phê, đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả nông dân, nhà cung ứng, DN xuất khẩu, nhập khẩu và người tiêu dùng.

Cụ thể, các thành viên trong chuỗi cung ứng cà phê cần ngồi lại, trao đổi các vấn đề khó khăn và hợp tác trên tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng phát triển. Đồng thời cũng cần có sự chọn lọc, loại bỏ dần các đơn vị, đối tác kinh doanh thời vụ, không uy tín ra khỏi chuỗi cung ứng.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa khuyến nghị các DN FDI nên hợp tác chặt chẽ với Vicofa để có thể làm việc trực tiếp với các DN xuất khẩu lớn, uy tín, tránh làm việc với các DN nhỏ lẻ, thiếu uy tín. DN cũng nên hạn chế tối đa việc bán xa, đặc biệt là mua xa để tránh rủi ro phải mua hàng giá cao giao cho hợp đồng giá thấp hoặc không thể thực hiện hợp đồng. Đối với các tranh chấp hợp đồng mua bán đã xảy ra, cả người mua và người bán nên cùng nhau đàm phán, thỏa thuận cùng chia sẻ rủi ro, giá cả cũng như tiến độ, thời gian giao hàng khi giá cà phê tăng cao đột ngột, tránh thiệt hại dồn cho một phía.

Ông Nguyễn Nam Hải cũng đề nghị các ngân hàng tăng hạn mức cho vay và ưu đãi lãi suất cho các DN kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê để các DN có đủ năng lực tài chính thực hiện các hợp đồng đã ký. Các địa phương vùng nguyên liệu cần tuyên truyền, cảnh báo nông dân, các đại lý, thương lái địa phương hạn chế tối đa việc "mua xa, bán xa" để tránh rủi ro cao khi giá cả tăng cao. Các địa phương cũng cần cảnh báo việc mở rộng diện tích trồng cà phê khi giá lên cao, đề phòng khủng hoảng thừa cà phê sau đó.

Về dài hạn, ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm khảo sát, thống kê diện tích cây cà phê thực tế để có dự báo chuẩn xác về sản lượng và tình hình cung cầu. Những địa phương trồng cà phê trọng điểm ở khu vực Tây Nguyên cần có giải pháp để tăng sản lượng, chất lượng cà phê thông qua việc cải tạo giống, ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, thích ứng với biến đổi khí hậu.

TIN LIÊN QUAN