Cây cầu hơn 11.000 tỷ chuẩn bị được khởi công, khi hoàn thành trở thành cầu dây văng lớn nhất TP.HCM

Dự kiến, cầu Cần Giờ có tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ, thời gian thực hiện từ năm 2024 - 2028.

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM sẽ trình dự án HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư cầu Cần Giờ tại kỳ họp thứ 13, HĐND Thành phố khoá X (từ ngày 6 - 9/12).

Cụ thể, thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 - 2028; thời gian thu phí BOT là 23 năm 6 tháng (từ năm 2028 đến năm 2051). Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 11.087 tỷ đồng (bao gồm lãi vay 518 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách thành phố khoảng 5.246 tỷ đồng (chiếm 49,63% tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay) và vốn BOT khoảng 5.323 tỷ đồng (chiếm 50,37% tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay).

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, điểm đầu cầu Cần Giờ tại đường 15B (huyện Nhà Bè), cách rạch Mương Ngang khoảng 500m về phía Bắc. Sau đó cầu cắt qua đường Nguyễn Bình rồi vượt sông Soài Rạp. Khi sang huyện Cần Giờ, cầu sẽ nối đến đường Rừng Sác tại vị trí cách phà Bình Khánh khoảng 2,1 km về phía Nam.

Dự án cầu Cần Giờ có tổng chiều dài 7,3km (trong đó cầu Cần Giờ dài gần 3 km, phần đường dẫn dài hơn 4,3km), quy mô 6 làn xe (4 làn cơ giới, 2 làn thô sơ), vận tốc 60 km/h.

Nếu được HĐND TP.HCM thông qua, cầu Cần Giờ sẽ khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2028. Khi đó, cầu Cần Giờ sẽ soán ngôi cầu Phú Mỹ (nối TP Thủ Đức và Quận 7) hay cầu Bình Khánh, trở thành cầu dây văng có quy mô lớn nhất TP.HCM.

Trong tương lai, huyện Cần Giờ có dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với quy mô 2.870ha, dân số quy hoạch là 228.506 người và khách du lịch dự kiến khoảng 8,89 triệu lượt khách/năm. Với quy mô như vậy, nhu cầu giao thông kết nối giữa khu đô thị này nói riêng và huyện Cần Giờ nói chung với trung tâm TP.HCM là rất lớn.

Ngoài ra, TP.HCM dự kiến xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ), cạnh cửa sông Cái Mép - Thị Vải, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông.