Sau 4 tháng được thông xe kỹ thuật, vào sáng 26/4, thành phố Cần Thơ đã chính thức thông xe cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ.
Cầu Trần Hoàng Na thuộc dự án phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của đô thị. Cầu nối 2 quận Ninh Kiều và Cái Răng có tổng chiều dài gần 587m, thiết kế 4 làn xe. Tổng vốn đầu tư cho dự án là hơn 791 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA do Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư và được thực hiện bởi Liên danh nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 - Công ty Cổ phần Cầu 14.
Cầu Trần Hoàng Na được đánh giá là công trình có kiến trúc đẹp, tạo điểm nhấn đô thị cho thành phố Cần Thơ. Cầu có 4 chân vòm thép, 32 bộ đèn led, mỗi bộ gồm 2 đèn với 144 bóng đèn. Ngoài ra, còn có hệ thống đèn chiếu sáng hệ thống dây văng, dầm dọc chính hai bên cầu và các mố trụ dưới mặt cầu... 38 bó cáp được căng từ hai bên vòm thép chính xuống thành cầu, có vai trò chịu lực và tạo mỹ quan cho công trình. Cùng với hệ thống đèn trang trí hai bên dầm dọc chính, dưới chân mỗi bó cáp được lắp đặt một bộ đèn tự động chuyển đổi màu, chiếu lên dây cáp và vòm thép.
Việc cầu Trần Hoàng Na được đưa vào khai thác sử dụng sẽ giúp giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến đường Nguyễn Văn Linh, đồng thời kết nối khu vực quận Ninh Kiều với khu đô thị Nam Cần Thơ, bến xe khách trung tâm thành phố tại quận Cái Răng, hành trình giữa 2 quận Cái Răng và Ninh Kiều cũng được rút ngắn.
Cùng với quá trình kết nối các khu vực, hệ thống giao thông này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá, xúc tiến du lịch và thu hút đầu tư vào thành phố.
Sau cầu Hoàng Na, cầu Cờ Đỏ, cầu Tây Đô và đường Hoàng Quốc Việt cũng dự kiến khánh thành vào dịp 30/4 tới đây.
Dự án cầu Cờ Đỏ có tổng vốn đầu tư hơn 165 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, do Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư. Khi được đi vào hoạt động, cầu sẽ kết nối đồng bộ và phát huy tối đa hiệu quả khai thác của các tuyến Đường tỉnh 919, 922, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội huyện Cờ Đỏ nói riêng và Cần Thơ nói chung.
Cầu Tây Đô bắc qua sông Cần Thơ có tổng chiều dài tuyến hơn 700m, thiết kế bốn làn xe. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 208 tỷ đồng do Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư.
Đường Hoàng Quốc Việt có chiều dài hơn 3km, nối đường tỉnh 923 đến Quốc lộ 91B. Dự án do Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư.
Sông Cần Thơ bắt nguồn từ khu vực nội đồng Tây sông Hậu, dài khoảng 16km, rộng 280-350m đi qua các quận Ô Môn, Cái Răng, Ninh Kiều và huyện Phong Điền. Sông Cần Thơ đổ ra sông Hậu tại bến Ninh Kiều. Sông có tác dụng tưới nước trong mùa cạn, vừa có tác dụng tiêu úng trong mùa lũ và có ý nghĩa lớn về giao thông đường thủy.
Chợ nổi Cái Răng là chợ nổi đầu mối chuyên mua bán rau củ ở trên sông Cần Thơ và là điểm tham quan đặc sắc của quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Năm 2016, Chợ nổi Cái Răng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.