Trong thông tin cảnh báo đưa ra mới đây, cơ quan chức năng cho biết về một thủ đoạn mới rất tinh vi và chuyên nghiệp của các đối tượng xấu.
Theo đó, bằng cách thử đăng nhập trên website của ngân hàng và nhập sai nhiều lần hoặc một số thủ thuật, các đối tượng sẽ khiến tài khoản của nạn nhân bị khóa. Khi đó, đối tượng sẽ giả danh người của ngân hàng gọi điện đến, dụ người dùng vào đường dẫn nhằm tải. ứng dụng giả mạo.
Khi bị khóa tài khoản, người dùng ít kinh nghiệm sẽ dễ hoảng loạn và tin theo lời kẻ gian. Khi đó, họ có thể cung cấp cho các đối tượng lừa đảo một số thông tin cá nhân, thông tin đăng nhập, hoặc bị dụ cài phần mềm độc hại.
Những mã độc này sau khi thâm nhập vào máy có thể yêu cầu cấp quyền truy cập sâu vào thiết bị, từ đó kẻ gian chiếm quyền điều khiển thiết bị và thực hiện nhiều hành động, như đánh cắp dữ liệu, theo dõi thiết bị và người dùng từ xa, chiếm thông tin nhạy cảm như mật khẩu, mã OTP....
Đây là chiêu trò hết sức nguy hiểm, do số tài khoản và số điện thoại thường được nhiều người công khai, có thể dùng chung hai số hoặc email để đăng nhập tài khoản ngân hàng.
Ngoài ra, vẫn có tình trạng thông tin của các cá nhân bị rao bán trên chợ đen dữ liệu và có nhiều cách để thu thập.
Trước thực trạng này, cơ quan chức năng và các ngân hàng khuyến cáo khách hàng cần lưu ý, khi gặp vấn đề về tài khoản ngân hàng, nên ra quầy giao dịch của chính ngân hàng mở tài khoản để nhận được hỗ trợ thực hiện trực tiếp hoặc chủ động liên hệ qua kênh chăm sóc khách hàng chính thức của ngân hàng.
Khách hàng tuyệt đối trong bất cứ trường hợp nào cũng không truy cập vào các đường dẫn lạ hoặc tải về ứng dụng không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP dưới mọi hình thức.
Cần đặc biệt ghi nhớ, không có ngân hàng nào lại yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP.
Trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho ngân hàng hoặc cơ quan chức năng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.