Cần thiết phải đánh thuế BĐS để 'hãm phanh' giá nhà

Theo chuyên gia nếu không quyết đoán trong việc cải cách thuế BĐS thì giá nhà sẽ tiếp tục "leo thang" ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước cũng như đời sống của người dân.

Trong hàng loạt các báo cáo về nghiên cứu thị trường BĐS gần đây đều chỉ ra mức tăng không ngừng của phân khúc căn hộ chung cư.

Có không ít các ý kiến cho rằng mức giá tăng cao là do nhu cầu của người dân ngày càng tăng, phân khúc này đáp ứng được nhu cầu ở thực cùng nguồn cung hạn chế càng khiến giá của chung cư càng "neo cao".

Báo cáo từ Bộ Xây dựng cho thấy, mức giá giao dịch chung cư Hà Nội đã tăng trung bình từ 5-6,5% trong quý II/2024.

Mức giá chung cư tại Hà Nội "neo" cao trong thời gian gần đây. Ảnh: Internet

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, giá bán chung cư tăng nóng không chỉ ở những dự án mới mở bán mà còn ở nhiều căn hộ cũ, đã qua sử dụng trong nhiều năm.

Trong một nghiên cứu từ Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho thấy chỉ trong quý II/2024, số giá căn hộ chung cư trên địa bàn Hà Nội tiếp tục duy trì xu hướng tăng giá.

Từ giữa cuối năm 2023, mức tăng trưởng về giá bán của thị trường căn hộ chung cư tại Hà Nội cũng đã bắt đầu tăng và vượt mức tăng giá của thị trường TP. HCM. Trong đó, giá bán căn hộ sơ cấp trung bình tại Hà Nội tiệm cận mức 60 triệu đồng/m2.

Các chuyên gia cho rằng cần thiết ban hành Luật Thuế BĐS để quản lý thị trường. Ảnh: Internet

Nếu so với kỳ gốc quý II/2019, giá bán căn hộ sơ cấp tại Hà Nội ghi nhận mức tăng vượt bậc với 58%, hơn gấp đôi so với tỷ lệ tăng của thị trường tại TP. HCM.

Theo Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường BĐS, bà Phạm Thị Miền cho rằng xét về phân khúc, căn hộ chung cư vẫn được xem là phân khúc chủ đạo và "chiếm sóng" thanh khoản thị trường.

Đánh giá về bức tranh tổng quan về thị trường BĐS, ông Phạm Đức Toản - TGĐ Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển BĐS EZ (EZ Property) cho rằng do nguồn cung sụt giảm trong vòng 5 năm trở lại đây đã tạo ra sự méo mó đối với thị trường BĐS.

Theo ông Toản, lực cầu mạnh mẽ đến từ gia đình trẻ, lượng sinh viên ra trường thu nhập thấp cùng với việc lãi suất đang được ưu đãi cũng thúc đẩy người dân vay tiền đi mua nhà, đẩy "lực cầu" tăng lên.

GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng 10 năm trước giá chung cư cao cấp là 50 triệu đồng/m2, đến nay giá đã tăng gấp đôi, chung cư giá rẻ đạt mức như giá chung cư cao cấp trước đó.

Tỷ lệ giá nhà trung bình/thu nhập trung bình của người dân Việt Nam (tính theo năm) có xu hướng tăng.

Trước năm 2010, tỷ lệ này luôn dưới 25 nhưng đến nay ghi nhận con số này đã lên đến 30 tại một số khu vực; điều này cho thấy giá nhà tại Việt Nam đã lên mức cao nhất trong khi thu nhập của người dân không "đuổi" theo kịp.

Trước thực trạng này, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng để quản lý được thị trường BĐS cần hình thành hành lang pháp lý về BĐS.

"Nếu không quyết đoán trong cải cách thuế BĐS thì giá nhà còn tiếp tục tăng, ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế đất nước cũng như đời sống của người dân bình thường", GS. Đặng Hùng Võ nhận định.

Dự báo về giá BĐS trong thời gian tới, GS. Đặng Hùng Võ khẳng định giá BĐS chắc chắn sẽ tăng cao. Tuy nhiên, ông Đặng Hùng Vĩu cũng cho rằng đó là sự chịu đựng lúc đầu của nền kinh tế, tiếp theo đó, chi phí đầu vào về đất đai sẽ cần được xem xét một cách kỹ lưỡng hơn.