Cần làm rõ dấu hiệu sai phạm tại Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh

Việc quản lý tài sản công, thu chi tài chính, thu học phí có dấu hiệu sai quy định… là vấn đề khiến một số cán bộ, nhân viên và học viên tại Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh bức xúc, gây mất đoàn kết nội bộ trong thời gian qua. Những dấu hiệu sai phạm này đang được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thanh tra.

Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh thời gian gần đây xảy ra nhiều tai tiếng liên quan đến vấn đề quản lý tài sản công và tài chính. Ảnh: Ngân Nga

Theo phản ánh, Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh có 2 sân bóng mini phục vụ cho nhu cầu giảng dạy, học tập, rèn luyện của sinh viên. Tuy nhiên, khi sinh viên của trường muốn sử dụng sân bóng để luyện tập thì phải thuê sân, đặt lịch và đặt cọc trước bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản vào một tài khoản cá nhân. Nếu không đặt cọc trước sinh viên sẽ không có sân luyện tập.

Nhằm phục vụ nhu cầu giảng dạy giáo dục thể chất cho sinh viên và cho thuê sân bóng để tạo nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên, năm 2016 Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh đã ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Nam Hải Nguyệt đầu tư sân bóng mini tại cơ sở 2 (số 288 Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long A, quận 9). Diện tích mặt bằng cho thuê là 1.600m2, thời hạn hợp đồng là 5 năm, từ ngày 11/3/2016 đến hết ngày 11/3/2021. Về kinh phí liên kết sử dụng mặt bằng, công ty phải trả cho nhà trường một năm đầu tiên là 15 triệu đồng/tháng, năm thứ hai 20 triệu đồng/tháng, từ năm thứ ba sẽ tăng thêm 5% do yếu tố trượt giá. Số tiền từ hợp đồng được nhà trường thu và sử dụng cho hoạt động của nhà trường.

Sân bóng mini của Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh từ năm 2021 đến nay đơn vị kinh doanh không phải trả tiền thuê đất nhưng sinh viên nhà trường cần sân luyện tập thì phải thuê. Ảnh: Ngân Nga

Tuy nhiên, hợp đồng giữa nhà trường và doanh nghiệp được chấm dứt từ tháng 3 năm 2021, do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch yêu cầu tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ phải có đề án cho thuê tài sản công dôi dư, trong đó Bộ lại không đồng ý cho thuê đất trống kiểu như làm sân bóng. Từ đó đến nay, mặc dù không ký hợp đồng nhưng doanh nghiệp vẫn hoạt động như tiền lệ, sinh viên của trường vẫn phải bỏ tiền thuê sân mỗi khi cần luyện tập.

Tại sao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch không đồng ý để Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh cho thuê mặt bằng, mà 2 sân bóng này vẫn ngang nhiên để một số cá nhân, doanh nghiệp quản lý và thu lợi? Việc thu chi tài chính ở đây được quản lý như thế nào, chi tiêu vào mục đích gì?

Không dừng lại ở đó, theo thông tin, ông Lâm Nhân, Phó Hiệu trưởng - Chủ tịch Hội đồng Trường là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học sở hữu trí tuệ trong ngành Văn hóa và Du lịch có dấu hiệu lập khống hồ sơ, ký hợp đồng hợp tác với đơn vị bên ngoài để quyết toán tiền thuê hội trường tổ chức các lớp đào tạo về sở hữu trí tuệ trong ngành Văn hóa và Du lịch.

Cụ thể, để tập huấn trang bị kiến thức về sở hữu trí tuệ thuộc chương trình phát triển tài sản trí tuệ trong ngành Văn hóa và Du lịch, nhóm nghiên cứu đã ký hợp đồng với một số công ty bên ngoài thuê hội trường để tổ chức lớp học, thời gian từ ngày 5/9/2020 - 18/9/2020. Tuy nhiên, thời gian này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các hội trường của Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh để tổ chức các lớp tập huấn này. Đơn cử, từ ngày 7/9/2020 - 9/9/2020, tại phòng B201, Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh (số 51 Quốc Hương, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức).

Ngoài ra, các học viên phản ánh, ông Lê Thế Bắc, chuyên viên Phòng Đào tạo, Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh còn bắt buộc các học viên cao học quản lý văn hóa khóa 8 (2018 - 2020) đóng tiền phạt bảo vệ luận văn trễ hạn. Ông Bắc đã lập danh sách, tính số tín chỉ và yêu cầu các học viên nộp đủ số tiền phạt mới cho học viên bảo vệ luận văn thạc sĩ, mỗi học viên phải đóng 1.265.000đ/tháng hoặc 370.000đ/1 tín chỉ. Tổng số tiền phạt lên đến 16 - 23 triệu đồng cho mỗi học viên.

Điều khác thường, danh sách các học viên bị phạt trễ hạn này không được các phòng, ban liên quan và lãnh đạo nhà trường ký duyệt. Hơn thế, số tiền phạt được ông Bắc thu trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản cá nhân ông Bắc. Các học viên cho rằng, việc trễ hạn bảo vệ luận văn là do trúng đợt cao điểm của đại dịch Covid-19 bùng phát, cả nước phải giãn cách xã hội, nhà trường phạt học viên trễ hạn là hết sức vô lý.

Danh sách các học viên bị nộp phạt trễ hạn. Ảnh: Ngân Nga

Ngày 7/9/2023, ông Trịnh Đăng Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thời gian gần đây, nhà trường nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận vì xảy ra nhiều “lùm xùm” và có đơn thư khiếu nại. Hiện nay, lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã nắm được sự việc và Thanh tra Bộ hiện đang thanh tra. Về việc báo chí phản ánh, Thanh tra Bộ có chỉ đạo trường không được cung cấp thông tin cho bất kỳ ai khi chưa có kết luận thanh tra. Hiện chúng tôi đang chờ kết luận thanh tra, khi có chúng tôi sẽ gửi cho báo”.

Khi chúng tôi hỏi về việc trong đợt thanh tra này, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có thanh tra về thông tin ông Lâm Nhân có dấu hiệu lập khống hồ sơ và ký hợp đồng với đơn vị bên ngoài để quyết toán tiền hội trường tập huấn khóa đào tạo về sở hữu trí tuệ? Ông Khoa cho biết, việc này không có trong nội dung thanh tra đợt này, nhà trường sẽ kiểm tra lại vụ việc. Nếu có kết quả sẽ cung cấp thông tin cho báo khi có sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ.

Thời gian qua, Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh xảy ra nhiều “lùm xùm” xoay quanh công tác quản lý tài chính, tài sản công khiến nội bộ mất niềm tin, mất đoàn kết, ảnh hưởng tinh thần làm việc của cán bộ công nhân viên. Sự việc khiến Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phải vào cuộc.

Thiết nghĩ Thanh tra Bộ cần sớm có kết luận, dập tắt những “lùm xùm”, xử lý nghiêm sai phạm nếu có, để cán bộ, nhân viên nhà trường yên tâm công tác.

TIN LIÊN QUAN