Người tiêu dùng còn dễ dãi
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, để một thương hiệu có uy tín trên thị trường cần phải có đầu tư về tiền, quảng bá làm thương hiệu khoảng độ tối thiểu 20 triệu USD và trong một thời gian 10 năm liên tục thì mới có được một thương hiệu nổi tiếng để người ta biết đến, tin cậy và mua sản phẩm.
Với lợi nhuận lớn, thay vì bỏ tiền đầu tư phát triển thương hiệu, xây dựng sản phẩm chất lượng uy tín, các đối tượng sản xuất, làm nhái các sản phẩm, thương hiệu có sẵn trên thị trường tạo thành vấn nạn. Một bộ phận người tiêu dùng còn dễ “bằng lòng” với hàng hoá đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng có cơ hội sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp cũng như ngay chính người tiêu dùng.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, để chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chúng ta phải quan tâm nhiều đến việc phòng ngừa. “Việc đi kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường hay các lực lượng chức năng khác chỉ là phần ngọn thôi”, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh. Do đó tất cả các chủ thể, từ người bán, người sản xuất cho đến người tiêu dùng là người mua hàng đều phải có trách nhiệm trong cuộc chiến chống hàng giả này.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, đối với lực lượng Quản lý thị trường, trọng tâm trong công tác phòng, chống gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của những mặt hàng ở thị trường nội địa là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Tuy vậy, việc xử lý những vụ việc liên quan đến hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất phức tạp, nhất là những vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xâm phạm vấn đề liên quan đến bản quyền tác giả, sở hữu công nghiệp bởi vì gặp phải những vấn đề liên quan về pháp luật.
“Đặc biệt bây giờ đối tượng làm hàng giả rất tinh vi. Rất nhiều sản phẩm hàng giả họ làm giống, gần giống hàng thật và cũng đăng ký bản quyền. Với những vụ việc đó, để xử lý những tranh chấp rất mất nhiều thời gian, thậm chí nhiều khi lực lượng như chúng tôi còn bị các đối tượng đấy kiện ngược lại”, ông Linh thông tin.
Là một doanh nghiệp sản xuất trực tiếp những sản phẩm gắn với sức khỏe của người tiêu dùng nhưng lại có nhiều nguy cơ bị làm giả, làm nhái nên những năm qua Công ty TNHH URC Việt Nam thường xuyên phải hướng dẫn nhận diện thương hiệu cho các đại lý, nhà phân phối và người tiêu dùng. Đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để phòng ngừa, ngăn chặn và đề xuất xử lý các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ.
Bà Bùi Thị Thu Hiền, đại diện Bộ phận pháp lý của URC Việt Nam cho biết, việc phòng, chống hàng nhái, hàng giả và bảo vệ thương hiệu tại URC đã được thực hiện bằng nhiều hoạt động cụ thể, như hướng dẫn nhận diện thương hiệu; giải đáp các câu hỏi liên quan tới logo, nhãn hiệu của các sản phẩm. Đồng thời, URC phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện phòng ngừa, ngăn chặn và đề xuất xử lý các hành vi vi phạm.
Bà Hiền cho biết, doanh nghiệp khuyến khích người tiêu dùng kiểm tra sản phẩm, đối chiếu các thông tin để đảm bảo lựa chọn đúng các sản phẩm chính hãng thông qua các đặc điểm nhận dạng. URC Việt Nam cũng thực hiện những chiến lược truyền thông để người tiêu dùng có thể nhận biết, lựa chọn đúng các sản phẩm chính hãng của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, URC luôn chủ động khi phát hiện các hàng hóa có dấu hiệu vi phạm, xâm phạm về sở hữu trí tuệ của công ty. Theo đó công ty sẽ liên hệ với các cơ quan nhà nước để xác định các hành vi này có đúng là vi phạm sở hữu trí tuệ hay không và từ đó đưa ra các phương hướng xử lý thích hợp.
Tuy nhiên, đại diện URC cũng cho rằng, cần đẩy nhanh quá trình xử lý vi phạm, đồng thời có thể nâng cao mức hình phạt đối với chủ thể vi phạm, đối với các vi phạm về xâm phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt là những hành vi vi phạm nhiều lần để nhằm tăng tính răn đe cho người thực hiện hành vi vi phạm đó.
Quan trọng nhất là phòng ngừa
Đồng quan điểm về vấn đề đấu tranh với vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ông Nguyễn Tiến Lập cho rằng, thực thi pháp luật chỉ là xử lý phần ngọn, hậu quả nó đã xảy ra rồi. Căn bản ở đây là thiệt hại của cả nền kinh tế.
Do vậy, theo ông Trần Hữu Linh, để xử lý được vấn nạn điều trước tiên cần thay đổi thói quen tiêu dùng. Người dân không mua hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở trí tuệ vì giá rẻ, vì tâm lý sính hàng ngoại, sính hàng thương hiệu vì còn làm như vậy là còn thỏa hiệp với hàng giả. Đối với doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, vượt qua tâm lý e ngại, tránh né khi biết trên thị trường có sản phẩm của mình bị làm giả.
Đối với lực lượng Quản lý thị trường, thời gian tới tiếp tục triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả tại các địa bàn trọng điểm. Trong đó trọng tâm là tập trung kiểm tra, xử lý hàng giả trên mạng, trên môi trường thương mại điện tử bằng các hoạt động đồng bộ. “Cùng với các biện pháp của các cơ quan chức năng, hơn ai hết các chủ thể là doanh nghiệp cần phải có những hành động kịp thời cảnh báo cho người tiêu dùng, đồng thời cũng có những biện pháp bảo vệ thương hiệu, ngăn chặn và xử lý hành vi làm hàng giả, hàng nhái để bảo vệ người tiêu dùng, cũng như bảo vệ thương hiệu bền vững”, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh.
TAGS:
hàng giả hàng nhái quản lý thị trường