Tăng trưởng mạnh vào năm 2025
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong năm 2024 và tính đến các rủi ro và bất lợi tiềm ẩn từ các cuộc xung đột thương mại tiếp theo từ chính quyền mới của Mỹ, Ngân hàng UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 lên 7%, thay vì mức 6,6% trước đó.
Trong năm 2025, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%, trong khi Thủ tướng Phạm Minh Chính gần đây đã kêu gọi đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, với sự hỗ trợ từ việc giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút thêm đầu tư.
Dựa trên cách tiếp cận tập trung vào kỷ luật tài chính và cách đầu tư công đã được giải ngân cho đến nay, các chuyên gia của UOB cho rằng, mục tiêu 8% có vẻ khá tham vọng nhưng vẫn có những dư địa để đạt được.
Khẳng định ngành sản xuất tăng trưởng vững chắc cùng chính sách tiền tệ phù hợp đã góp phần vào sự phục hồi kinh tế trong năm 2024, Ngân hàng Standard Chartered dự báo, năm 2025, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh 6,7%, với mức tăng trưởng trong nửa đầu năm đạt 7,5% so với cùng kỳ năm trước và ở mức 6,1% trong nửa cuối năm.
Các chuyên gia của Standard Chartered cho biết, triển vọng này được củng cố bởi xuất khẩu tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước trong 10 tháng đầu năm 2024, trong khi nhập khẩu tăng 16,8%; với ngành xuất nhập khẩu hàng điện tử đang tiếp tục phục hồi. Cùng với đó, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tăng, được minh chứng bởi dòng vốn FDI mạnh mẽ. FDI giải ngân tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi FDI cam kết tăng 1,9% trong cùng kỳ. Ngành sản xuất chiếm 62,6% tổng vốn FDI cam kết trong giai đoạn đó, trong khi ngành bất động sản chiếm 19,0%, gia tăng so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) duy trì quan điểm tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 và nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 lên 6,6%, từ mức 6,2% dự báo vào tháng 9/2024.
Sự điều chỉnh này dựa trên hiệu suất xuất khẩu mạnh mẽ của Việt Nam, bao gồm cả ngành sản xuất, hiệu suất đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vững chắc, được hỗ trợ bởi xu hướng điều chỉnh tiền tệ toàn cầu và giá hàng hóa toàn cầu ở mức vừa phải (bao gồm giá dầu thô).
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang phấn đấu đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm là 7%. Để bù đắp cho mức tăng trưởng thấp trong thời kỳ đại dịch COVID-19, việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8% cho năm 2025 là hoàn toàn hợp lý và sẽ đóng góp vào mục tiêu của Việt Nam vào năm 2030.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) kỳ vọng mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 là khoảng 6,5%, đưa Việt Nam một lần nữa trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Á-Thái Bình Dương.
Ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của WB tại Việt Nam, Lào và Campuchia nhận định, Chính phủ Việt Nam đã đạt được những thành công đáng ghi nhận trong việc sử dụng linh hoạt các chính sách tiền tệ và tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi nhu cầu trong nước. Các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là đơn giản hóa và hợp lý hóa các quy định, cũng rất đáng khen ngợi.
Ở một góc nhìn khác, theo dự báo của Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Việt Nam Việt Nam sẽ đạt quy mô 506 tỷ USD trong năm 2025, đứng thứ 33 toàn cầu. Con số này tăng so với GDP 433 tỷ USD và vị trí 34 của năm 2023. Năm 2020, GDP của Việt Nam đạt 346 tỷ USD, đứng thứ 37 trên thế giới.
Báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho thấy, Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) đã tăng vọt từ 46,3 điểm trong quý IV/2023 lên 61,8 điểm trong quý IV/2024, đạt mức cao nhất trong hơn 2 năm qua, phản ánh tinh thần lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu về triển vọng kinh tế của Việt Nam.
Kết quả này minh chứng cho khả năng phục hồi đáng kinh ngạc của Việt Nam trước những biến động toàn cầu, đồng thời, khẳng định vị thế ngày càng nổi bật của đất nước như một trung tâm thương mại và đầu tư của khu vực.
Trong khi đó, Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập CEBR (Anh) cho rằng, năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 4.783 USD, tăng đáng kể so với mức 4.469 USD của năm 2024, đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao. Dự kiến, Việt Nam sẽ xếp thứ 124 thế giới về thu nhập bình quân đầu người, đánh dấu bước tiến trong cải thiện đời sống người dân.
Seasia Stats - trang thống kê uy tín về các nước Đông Nam Á - dự báo, nền kinh tế Việt Nam năm 2025 đứng thứ 12 châu Á, với quy mô nền kinh tế dự kiến sẽ đạt khoảng 506 tỉ USD. Việt Nam được đánh giá là một trong những cường quốc sản xuất và thương mại. Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong sản xuất và điện tử. Các hiệp định thương mại và vị trí chiến lược của Việt Nam củng cố sự hội nhập kinh tế toàn cầu.
Khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế
Để duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm trong thời gian tới, ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB khuyến nghị, Việt Nam cần tập trung các lĩnh vực trọng tâm, đó là con người, cơ sở hạ tầng và thể chế. Điều quan trọng là tiếp tục đầu tư vào vốn nhân lực và cải thiện hệ thống giao thông và năng lượng - nhằm hỗ trợ khả năng cạnh tranh và giảm thiểu tác động môi trường, đồng thời hiện đại hóa các thể chế để tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển. Điều này sẽ giúp Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành một nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045.
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho hay, mặc dù đánh giá gần đây của ADB về các kịch bản rủi ro cho thấy những bất ổn này chỉ có tác động khiêm tốn tới nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025, tuy vậy, sự bất ổn này vẫn có thể ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu từ nửa sau của năm 2025, gây ra sự tăng trưởng thấp hơn trong những năm tiếp theo.
Do đó, Giám đốc Quốc gia của ADB khuyến nghị, cùng với nỗ lực để cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, kích thích nhu cầu trong nước trở thành các động lực tăng trưởng bổ sung, Việt Nam cũng cần phải tập trung vào việc nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động và giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động đang gia tăng.
Các chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered cũng lưu ý Việt Nam cần thận trọng. Cụ thể, ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế của Standard Chartered đánh giá, các động thái của FED sẽ là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Lãi suất đồng USD thấp hơn có thể giúp giảm dòng vốn chảy ra nước ngoài, trong khi thặng dư thương mại bền vững cùng nguồn thu ngoại tệ mạnh mẽ từ ngành du lịch sẽ hỗ trợ đồng VND; tuy nhiên, dự trữ nhập khẩu thấp vẫn là một thách thức.