Các khó khăn, tồn tại trong phát triển đô thị thông minh ở nước ta

(CL&CS) - Đến thời điểm hiện nay, cả nước có 48/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Trong đó, có 14 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh trước thời điểm ban hành Đề án 950; có 20 tỉnh/thành phố phê duyệt đề án sau thời điểm ban hành Đề án 950 và 16 tỉnh/thành phố đang triển khai lập đề án.

Vừa qua, tại phiên khai mạc Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – châu Á 2024, ông Trần Ngọc Linh, đại diện Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết: Từ năm 2016, việc phát triển đô thị thông minh đã được đề cập tại Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, trong đó nhấn mạnh “ưu tiên phát triển một số đô thị thông minh”. Từ đó, các địa phương và đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Bắc Ninh đã ban hành các đề án/chương trình/kế hoạch phát triển đô thị thông minh.

Ông Trần Ngọc Linh, đại diện Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng)

Đến thời điểm hiện nay, cả nước có 48/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Trong đó, có 14 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh trước thời điểm ban hành Đề án 950; có 20 tỉnh/thành phố phê duyệt đề án sau thời điểm ban hành Đề án 950 và 16 tỉnh/thành phố đang triển khai lập đề án.

Về quy hoạch đô thị thông minh, nhiều địa phương đã bắt đầu tập trung vào xây dựng nền tảng cho quy hoạch thông minh, trước hết xây dựng cơ sở dữ liệu đô thị, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào quy hoạch và công tác quản lý thông minh. Hiện nay có khoảng 43 thành phố, thị xã tại các địa phương đang thực hiện, trong số đó có 38 Sở Xây dựng là đơn vị chủ trì.

Chia sẻ về những khó khăn, tồn tại trong việc phát triển đô thị thông minh, đại diện Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đã chỉ ra 4 vấn đề. Đầu tiên, công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh chưa được đẩy mạnh, thiếu hành lang pháp lý; việc chuyển đổi, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu từ dạng CAD sang GIS còn chậm. Việc phát triển đô thị thông minh tập chung chủ yếu vào các dịch vụ, tiện ích gắn với dịch vụ của chính quyền điện tử.

Thứ hai, cơ chế nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh còn thiếu; chưa có hình thức liên kết, kết nối khối doanh nghiệp, kinh tế tư nhân trong phát triển đô thị thông minh nên việc phát huy nguồn lực từ xã hội còn riêng rẽ, chưa đồng bộ, hệ thống hóa.

Thứ ba, chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung, nguồn dữ liệu không đầy đủ, liên thông chưa đồng bộ và chuẩn hóa. Thứ tư, lực lượng cán bộ quản lý và chuyên môn hạn chế về số lượng; công tác tổ chức thực hiện còn lúng túng.

 Theo ông Trần Ngọc Linh, đại diện Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, do chưa có nhiều thực tiễn tốt để làm cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng cho xây dựng đô thị thông minh. Việc triển khai hiện nay vẫn đang thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, đầu tư công, ứng dụng công nghệ thông tin…

Mặt khác, chưa có các chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích phát triển đô thị thông minh, nhất là việc huy động vốn và phân bổ nguồn lực, chưa xác định rõ các hạng mục sử dụng ngân sách Nhà nước và hạng mục sử dụng nguồn lực xã hội, doanh nghiệp. Việc phát triển đô thị thông minh có tính liên ngành, liên quan nhiều lĩnh vực, nhiều yếu tố ảnh hưởng, chi phí đầu tư lớn… có sự giao thoa với công tác chuyển đổi số.

Nguyên nhân cuối cùng, nền tảng công nghệ chưa tương thích, khối lượng cơ sở dữ liệu lớn từ các Bộ, ngành, địa phương; năng lực cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ.

Để tiếp tục phát triển đô thị thông minh trong thời gian tới, đại diện Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh: Cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển đô thị thông minh bền vững; phát triển đô thị thông minh cần được chú trọng ngay từ khâu quy hoạch; xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng và các công trình kiến trúc đô thị theo Đồ án quy hoạch được duyệt một cách thông minh; tăng cường phối hợp liên thông đa ngành để phát triển hạ tầng cơ sở dữ liệu dung chung phục vụ đa nhiệm.

TIN LIÊN QUAN