Buýt BRT nghìn tỷ 'khoác áo mới' trước tin đồn bị 'khai tử'

Trước tin đồn "bốc hơi" trên mạng xã hội, tuyến buýt BRT trở lại với một "diện mạo" khác lạ, thay đổi bên ngoài lẫn cách thức thu tiền.

Tin đồn tuyến buýt nhanh BRT bỗng "bốc hơi" xuất hiện sau khi một tài khoản trên mạng xã hội đăng tải hình ảnh công nhân tiến hành tháo dỡ biển báo "Làn đường dành riêng cho xe buýt" trên tuyến buýt nhanh BRT thuộc tuyến buýt nhanh số 01 ở ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám - hầm chui Lê Văn Lương - Tố Hữu.

Biển "làn dành riêng cho BRT" bị tháo gỡ.

Lý giải về vấn đề này, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, tuyến buýt BRT vẫn đang được hoạt động bình thường, không có việc dừng hoạt động.

Theo lãnh đạo Sở GTVT, đơn vị đang thực hiện dự án sửa chữa, thay thế biển theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia mới nhất về báo hiệu đường bộ. Do đó, công nhân sẽ tháo biển làn dành riêng cho BRT để thực hiện sơn kẻ, bổ sung biển báo... trên tuyến buýt nhanh BRT. 

"Biển báo cũ được lắp đặt khi triển khai dự án, hiện Sở đã tiến hành thay thế biển theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia mới nhất về báo hiệu đường bộ", lãnh đạo Sở thông tin.

Hiện nay trên tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, các biển báo "Làn đường dành riêng cho xe buýt" đã được tháo dỡ và thay thế bằng biển báo mới theo quy chuẩn Quốc gia. Biển báo mới có sự thay đổi so với biển báo cũ, bao gồm việc thêm chữ "BRT" trên biển chính và thay đổi dòng chữ thuyết minh trên biển phụ từ "Làn dành riêng BRT" thành "Làn xe buýt nhanh" kèm theo dòng phiên dịch tiếng Anh "Bus Rapid Transit (BRT)" phía dưới.

Biển báo mới được thay thế của tuyến buýt nhanh BRT 01.

Ngoài việc thay đổi biển báo, rào chắn phân làn cạnh bến chờ cũng đã được thay mới. Vận hành bán vé tại các nhà chờ tuyến xe buýt nhanh BRT cũng có nhiều thay đổi. Thay vì sử dụng vé, hành khách hiện nay sử dụng đồng xu để quẹt qua hệ thống cửa tại các bến chờ. Tuy nhiên, việc này cũng gây khó khăn cho một số người dùng, đặc biệt là người cao tuổi, khi gặp trường hợp mất đồng xu và không thể ra khỏi nhà chờ.

Theo cô Nguyễn Thị Minh (một hành khách trên phố Nguyễn Thái Học) cho biết: "Hàng ngày tôi đều đi 2 tuyến xe buýt từ nhà tới cửa hàng, trong đó có 1 tuyến là BRT. Với tôi, BRT khá tiện ích. Mặc dù giờ cao điểm hay khi tan làm thì hơi đông nhưng cơ bản là văn minh, thoải mái. Trước đây, đi xe buýt BRT là dùng vé, nhưng gần đây được thay bằng đồng xu. Tôi thì quen rồi nhưng nhiều người vẫn còn bỡ ngỡ, đặc biệt là các cụ cao tuổi. Đồng xu được dùng để quét qua hệ thống cửa tại các bến chờ. Khi đi vào thì quẹt nhưng khi ra thì phải thả đồng xu vào máy. Có những trường hợp bị mất đồng xu nên cũng loay hoay mãi mà không ra được khỏi nhà chờ".

Vé xe buýt đã được thay bằng đồng xu.

Tuyến xe buýt nhanh BRT số 01 Kim Mã - Hà Đông là tuyến đầu tiên được đưa vào hoạt động ở Việt Nam. Dự án này đã được thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng. Tuyến có chiều dài 14km và sử dụng 55 xe buýt loại 80 chỗ. Mục tiêu của dự án là cải thiện tình trạng ùn tắc, ô nhiễm và thúc đẩy người dân chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng.

Theo quy hoạch hệ thống xe buýt nhanh BRT trên địa bàn Hà Nội, thành phố dự kiến sẽ có 11 tuyến BRT với tổng chiều dài 316km. Hiện tại, sau 12 năm thực hiện, thành phố đã hoàn thành 1 tuyến và đạt khoảng 4,4% nhu cầu vận chuyển hành khách. Với định hướng phát triển này, Sở GTVT Hà Nội xác định rằng mạng lưới vận tải hành khách công cộng, bao gồm cả đường sắt đô thị và xe buýt, với sự tham gia của BRT, vẫn là trụ cột quan trọng.

Trong tương lai, Hà Nội còn có kế hoạch xây dựng thêm 6 tuyến đường sắt đô thị để thay thế một số tuyến BRT hiện có. Mục tiêu của thành phố là phục vụ 40-60% nhu cầu đi lại của người dân bằng phương tiện công cộng. Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cũng đã được công bố, trong đó có kế hoạch xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị và thực hiện các tuyến BRT đã được quy hoạch.