Ngày 29/4, đại diện Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẳng định lãnh đạo đơn vị đã biết thông tin Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả thông báo điều chỉnh giá vé tại trạm thu phí Bắc Hải Vân (thuộc địa phận Thừa Thiên - Huế).
Trong khi đó, bất chấp phản ứng của người dân và doanh nghiệp, ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, vẫn bảo lưu quyết định tăng phí ở trạm BOT Bắc Hải Vân.
BOT Bắc Hải Vân tăng phí các phương tiện qua trạm.
Vị này khẳng định doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng đã ký kết với đối tác khi vay vốn thực hiện dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả.
Bộ Giao thông Vận tải nói gì?
Trao đổi về vụ việc, đại diện Bộ GTVT thừa nhận Trung ương vẫn chưa giải ngân 1.180 tỷ đồng cho chủ đầu tư như phản ánh của lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả.
Đại diện Bộ GTVT giải thích trong quá trình triển khai dự án hầm đường bộ Đèo Cả, phương án tài chính bị ảnh hưởng do việc thay đổi chính sách. Vì vậy, năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết 439, quyết định thu hồi 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách.
Theo tính toán của Bộ GTVT, nếu không được bổ sung 1.180 tỷ đồng vốn Nhà nước thì thời gian hoàn vốn của dự án này từ 27 năm 5 tháng sẽ tăng lên khoảng 32 năm 2 tháng.
Trường hợp không được bổ sung vốn sẽ ảnh hưởng đến phương án trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết, nguy cơ phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng lớn đến chính sách thu hút đầu tư khu vực tư nhân trong giai đoạn tới.
"Bộ đã nhiều lần kiến nghị những vấn đề trên nhưng không được chấp thuận", đại diện Văn phòng Bộ GTVT cho hay.
Nói về việc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đột ngột tăng phí các chủ phương tiện qua trạm BOT Bắc Hải Vân, đạo diện Bộ GTVT nói chủ đầu tư làm đúng theo hợp đồng.
Thời gian tới, Bộ GTVT cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thấu đáo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp và chủ đầu tư.
Người dân không trả phí thì đi đường khác
Ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa hàng hải dịch vụ Đà Nẵng, cũng cho rằng việc chủ đầu tư tăng phí qua hầm Hải Vân sẽ tăng gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.
Sắp tới, đơn vị này có văn bản đề xuất các đơn vị liên quan, nhằm có chính sách tốt cho doanh nghiệp vận tải ở Đà Nẵng.
Trong khi đó, bất chấp phản ứng của người dân và doanh nghiệp, ông Thế nói nếu chủ các phương tiện muốn di chuyển không mất phí thì có thể đi đường đèo Hải Vân hoặc tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan sắp thông xe.
Theo Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân) có tổng vốn đầu tư 21.612 tỷ đồng. Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Trong đó, phần vốn Nhà nước là 5.048 tỷ đồng, còn lại 16.564 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu và huy động của nhà đầu tư. Nhà nước đã giải ngân khoảng 3.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dự án hầm Hải vân 2 đã khánh thành và sử dụng từ đầu năm 2021 nhưng Nhà nước vẫn chưa trả 1.180 tỷ đồng (trong phần vốn 5.048 tỷ) còn lại.
Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư tốn rất nhiều chi phí để vận hành, duy tu hầm Hải Vân và trả lương cho người lao động. Doanh nghiệp bị áp lực trả nợ các khoảng vay ngân hàng nên phải tăng phí đối với chủ phương tiện di chuyển qua trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân.
Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho rằng nếu chậm điều chỉnh giá, có thể vi phạm các nội dung trong hợp đồng tín dụng. Doanh nghiệp buộc phải tăng giá vé theo lộ trình của hợp đồng đã ký kết.
Cụ thể, từ ngày 1/5, mức phí qua trạm BOT Bắc Hải Vân thấp nhất là 110.000 đồng/lượt (đối với phương tiện dưới 12 ghế ngồi, ôtô tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng). Người điều khiển xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên, ôtô chở hàng bằng container 40 feet phải trả phí 280.000 đồng/lượt.
"Chủ đầu tư đưa mức gá vé như trên là căn cứ theo thông tư 60 của Bộ GTVT, nhưng ở khung cao nhất", ông Thế khẳng định.