Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ Xây dựng, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, cho biết trước tình trạng giá nhà Hà Nội tăng mạnh, Bộ Xây dựng đã đi kiểm tra tại một số vị trí chung cư được rao giá bán cao ở Hà Nội, kết quả cho thấy không có nhiều giao dịch, số lượng giao dịch thành công rất ít.
Theo khảo sát của Viện Kinh tế xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, lượng giao dịch nhà ở riêng lẻ, đất nền tại Hà Nội tăng từ 5-15% so với cuối năm 2023, giá bán dao động trong khoảng 80-220 triệu đồng/m2 và tại TP. HCM giá bán dao động trong khoảng 90-250 triệu đồng/m2. Giá bán trung bình một số dự án tại TP. Hà Nội và TP. HCM dao động 50-70 triệu đồng/m2.
Chung cư Hà Nội đang diễn ra tình trạng "ngáo giá". Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, ghi nhận tại một số dự án có mức độ tăng giá bình quân trong quý I/2024 như: Chung cư 536A Minh Khai (Hai Bà Trưng) tăng khoảng 3,8% (lên mức 43,7 triệu đồng/m2), Ha Do Park View (Cầu Giấy) tăng khoảng 3,3% (lên mức 49,9 triệu đồng/m2), Sunshine Garden (Hai Bà Trưng) tăng khoảng 3,8% (lên mức 45,9 triệu đồng/m2), Vinhomes Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa) tăng khoảng 4,2% (lên mức 72,4 triệu đồng/m2)...
Tuy nhiên, ông Hải cho biết Bộ Xây dựng đã cho kiểm tra tại một số chung cư có giá tăng đột biến và nhận thấy, rất ít giao dịch thành công và gần như không phát sinh giao dịch.
Với việc thị trường chung cư tăng giá "chóng mặt", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay, vừa qua, Bộ đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội kiểm tra, rà soát hoạt động giao dịch kinh doanh bất động sản trên địa bàn, đặc biệt là tại các dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường. Đồng thời, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý các hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ và các hành vi vi phạm pháp luật kinh doanh bất động sản (nếu có).
UBND TP. Hà Nội cần hoàn thành và gửi báo cáo về Bộ Xây dựng trước ngày 20/4. Tuy nhiên, đến nay, Hà Nội vẫn chưa có báo cáo về vấn đề trên.
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, không chỉ thiếu nguồn cung, cơ cấu sản phẩm bất động sản còn chưa hợp lý. Chung cư cao cấp chiếm tỉ lệ cao trong khi đó nhà ở bình dân, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp còn ít.
Để giải quyết vấn đề nguồn cung của thị trường, ông Hải cho rằng cần xác định rõ 5 điểm nghẽn từ thể chế, nguồn vốn, thông tin... Thời gian tới, khi các luật sửa đổi có hiệu lực, các điểm nghẽn trên sẽ được tháo gỡ, nguồn cung sẽ được thúc đẩy.
Mức độ quan tâm đất nền trong quý I. Nguồn: Batdongsan.com.
Với phân khúc đất nền đang diễn ra tình trạng "rã băng" khi một số khu vực có giá bán tăng nhẹ và giao dịch khá sôi động; việc tổ chức đấu giá đất nền tại các khu đô thị, khu dân cư mới đã được các địa phương triển khai nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Như ở Hà Nội, hàng trăm lô đất tại Chương Mỹ, Đông Anh, Sơn Tây, Mê Linh... được đấu giá thành công.
Bộ Xây dựng nhận định, đây được coi là một yếu tố có thể tác động giúp thị trường đất nền sôi động hơn trong thời gian tới.