Bộ Xây dựng công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trong quý 4/2021 và năm 2021. Trong đó đáng chú ý Bộ Xây dựng đã có những phân tích và đề ra giải pháp ngăn chặn tình trạng sốt đất ảo, bất thường và hoạt động đấu giá đất.
Theo Bộ Xây dựng, năm 2021 là năm có nhiều khó khăn của kinh tế Việt Nam với những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hàng loạt dự án phải tạm dừng xây dựng.
Dù vậy, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2021, thị trường giao dịch vẫn rất sôi động. Trong năm 2021, cả nước có 282.105 giao dịch bất động sản thành công.
Trong đó, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ là 111.640 giao dịch; lượng giao dịch đất nền là 170.465 giao dịch; riêng tại Hà Nội có 10.875 giao dịch thành công; tại TP.HCM có khoảng 14.443 giao dịch thành công.
Lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 96,7% so với năm 2020. Trong đó, tổng lượng giao dịch giảm mạnh trong quý 3/2021; lượng giao dịch đất nền tăng mạnh tại các thời điểm cuối quý 1, đầu quý 2 và tháng cuối năm 2021.
Cũng theo báo cáo, dù nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch, nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm.
Tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5-7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020.
Đặc biệt, tại thời điểm cuối quý 1 đầu quý 2 đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí "sốt giá" đất nền tại một số địa điểm ở một số địa phương vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh Hòa Bình (tăng 46%), Bắc Ninh ( tăng 20%), Hưng Yên ( tăng 26%) và ngoài ra, có nhiều nơi như Thanh Hóa, TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP. HCM; TP Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai... cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.
Hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ cũng nhanh chóng hạ nhiệt sau khi Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn (như thông tin quy hoạch sân bay Tec-nich tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại TP. Đà Nẵng...).
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương tổ chức lập phê duyệt, công khai thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 5370 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tổng hợp báo cáo tình hình đấu giá đất, đánh giá tình hình, nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản... đồng thời khẩn trương thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường.
Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, hiện tượng tăng giá đất nền đã hạ nhiệt. Nguy cơ "bong bóng" bất động sản là khó xảy ra. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng dự báo đây vẫn có thể là sự khởi phát của hiện tượng "sốt giá" bất động sản trong năm 2022.
"Đặc biệt, khi Nhà nước sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giai đoạn giảm phát cũng có thể tác động làm thị trường bất động sản phát triển nóng nếu không được kiểm soát tốt (kinh nghiệm cho thấy từ gói kích thích kinh tế năm 2008 - 2009)", Bộ Xây dựng nhận định.
Bộ Xây dựng cũng cho biết sẽ có những giải pháp về tài chính tín dụng đặc biệt là tăng nguồn cung nhà xã hội, quan trọng nhất là quản lý chặt phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, giải pháp điều chỉnh lại các cơ cấu giữa án bất động sản, cơ cấu nhà ở trong các dự án để tránh tập trung đầu tư các nhà cao cấp. Giải pháp lâu dài hoàn thiện Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản.