Bộ trưởng Công Thương nói 'khó quản lý bán hàng online, livestream'

(CL&CS)- Chiều 4-6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn tại Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Công thương.

Chiều nay 4/6, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Nội dung chất vấn tập trung vào các nhóm vấn đề như: Công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; Việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tại Phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Những năm qua, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có như đứt gãy nguồn cung, suy giảm tổng cầu do dịch bệnh, xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại và cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn; nhiều tồn tại, lũy kế của ngành chưa thể giải quyết triệt để, đặc biệt là liên tục thiếu lãnh đạo Bộ và nhân lực có kinh nghiệm của ngành, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ, phối hợp và giúp đỡ của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và Nhân dân cả nước, ngành Công Thương đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Bộ trưởng Công Thương nói 'khó quản lý bán hàng online, livestream'

Ông Tạ Văn Hạ (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) nêu thực tế, đơn hàng bán qua Facebook, Zalo... của người bán hàng nước ngoài, sau đó được xuất khẩu qua biên giới, chuyển phát nhanh và vận chuyển vào Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chưa có chế tài xử lý với người bán hay sàn thương mại điện tử khi xảy ra tình trạng hàng giả, nhái. Giải pháp nào để bảovệ quyền lợi của người tiêu dùng?

Ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: Hoàng Phong

Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thừa nhận "thực sự khó khăn trong quản lý bán hàng online, livestream". Theo ông, trách nhiệm quản lý này không chỉ của ngành Công Thương, cần sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan như thông tin truyền thông, tài chính...

Giải pháp tốt nhất, ông Diên nói, là sự phối hợp giữa các cơ quan. Với ngành Công Thương, lực lượng quản lý thị trường tăng rà soát, kiểm tra để phát hiện, đấu tranh làm rõ hành vi sai phạm của các đối tượng bán hàng online. Bộ này cũng tăng chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, để kịp thời xử lý sai phạm, chống thất thu thuế. "Hoạt động của các đối tượng kinh doanh này thường biến hóa khôn lường, quy định pháp luật cần kịp thời sửa đổi phù hợp thực tế ", ông nói.

Hiện, tốc độ phát triển thương mại điện tử bình quân khoảng 20-25% một năm, quy mô thương mại 21 tỷ USD. Vì thế, ông Diên nói cần tăng vai trò quản lý Nhà nước của địa phương trong xem xét xử lý xung đột lợi ích. Trường hợp chứng minh được vi phạm của người bán online, livestream... thì ngành chức năng xóa vĩnh viễn các trang kinh doanh online là phù hợp. Việc này sẽ giúp từng bước giảm vi phạm pháp luật trong bán hàng online.

Vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử ngày càng tinh vi

Ông Nguyễn Minh Hoàng (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP HCM) cho rằng, thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số của Việt Nam, nhưng hoạt động này bị các đối tượng lợi dụng để lừa đảo, kinh doanh hàng cấm, hàng giả. Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi về quy mô, địa bàn hoạt động. Chưa kể, thương mại điện tử trên mạng xã hội phức tạp. Bộ có giải pháp nào để phát triển thương mại điện tử lành mạnh và việc thu thuế trên thương mại điện tử, mạng xã hội sẽ thế nào?

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP HCM. Ảnh: Hoàng Phong

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam đối mặt 3 thách thức trong thương mại điện tử. Theo đó, người tiêu dùng đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân. Hàng giả, hàng kém, chất lượng... đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng. Cùng đó, tỷ lệ thất thu thuế trên thương mại điện tử còn lớn.

Về bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng, ông Diên thừa nhận có tình trạng lộ, lọt thông tin. Bộ đã nhận diện vấn đề này, tham mưu Chính phủ ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023 và Nghị định 55 hướng dẫn thi hành luật. Luật này đưa ra nguyên tắc xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh của người tiêu dùng. Luật này có hiệu lực từ 1/7, ông Diên nói hy vọng khắc phục bất cập này. Tới đây, Bộ này phối hợp cùng với các bộ, ngành yêu cầu sàn thương mại điện tử phải công khai chính sách bảo vệ thông tin người tiêu dùng.

Liên quan tới hàng giả, hàng nhái thâm nhập, Bộ trưởng Công Thương cho biết cơ quan này khuyến nghị người sản xuất nâng cao sản phẩm trong nước để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại; triển khai cơ chế tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước. Năm 2023, cơ quan chức năng gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm, chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm.

Bộ cũng tăng kiểm tra nguồn gốc hàng, để tránh hàng giả, hàng nhái. Cùng đó, Bộ trưởng Diên cho biết, Bộ này sẽ cùng hải quan, tách bạch giữa luồng thông thường để tăng cường quản lý người bán nước ngoài qua kênh này.

"Bộ sẽ tham mưu Chính phủ xem xét miễn thuế VAT với hàng giá trị nhỏ, để tránh nhập khẩu qua thương mại điên tử, cạnh tranh với hàng trong nước mà không bị áp thuế", ông thông tin.

Theo quy định, hàng hóa nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng sẽ không phải chịu thuế VAT. Trong khi theo khảo sát của cơ quan này, 4 sàn thương mại điện tử lớn đang hoạt động tại Việt Nam, mỗi năm khoảng 1 tỷ USD hàng nhập khẩu giá trị nhỏ qua đây. "Có lượng thuế nhất định thất thoát nếu không điều chỉnh chính sách", ông Diên nói.

Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng

Về giải pháp chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã thường xuyên khuyến nghị đến người sản xuất trong nước chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.

Bộ Công Thương cũng trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và nghị định hướng dẫn triển khai đề án chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử và triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời chất vấn chiều ngày 4/6

Riêng trong năm 2023, đã tiếp nhận và gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. 

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng qua thương mại điện tử.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp các bộ ngành chức năng tham mưu Chính phủ xem xét ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử. Theo đó, tách bạch giữa luồng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử để tăng cường quản lý người bán nước ngoài qua kênh này.

Bên cạnh đó, tham mưu Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ, tránh tình trạng nhập khẩu qua thương mại điện tử cạnh tranh với hàng trong nước mà không bị áp thuế.

Cùng với đó, có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Đẩy mạnh cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, nhất là trên thương mại điện tử. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng nhập qua môi trường điện tử.

TIN LIÊN QUAN