Theo đó, Bộ Tài chính dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải với mức giảm 20-50% đến hết ngày 31/12/2022
Theo dự thảo, các loại gồm phí trọng tải tàu, thuyền đối với hoạt động hàng hải nội địa; phí bảo đảm hàng hải đối với hoạt động hàng hải nội địa; lệ phí ra, vào cảng biển đối với hoạt động hàng hải nội địa; phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay... có mức thu bằng 80% mức thu hiện tại.
Trong khi đó, phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt, lệ phí ra, vào cảng bến thuỷ nội địa, phí trình báo đường thuỷ nội địa mức thu bằng 50% mức thu hiện nay.
Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% phí giao thông vận tải
Dự kiến thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày ký đến hết ngày 31/12/2022. Kể từ ngày 1/1/2023 trở đi, mức thu các khoản phí, lệ phí quy định trên thực hiện theo quy định cũ.
Bộ Tài chính cho biết, đề xuất giảm các khoản phí và lệ phí này sẽ chủ yếu tập trung ở lĩnh vực hàng hải, cảng biển. Đây cũng là giải pháp không chỉ chia sẻ khó khăn với người dân mà còn hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa sau đại dịch.
Mức giảm này sẽ phần nào ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách, nhưng Bộ Tài chính vẫn kiên định theo đúng mục tiêu đã đề ra. Đó là tiếp tục triển khai các gói tài khóa hỗ trợ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, việc giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí hỗ trợ cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong 8 tháng qua đã lên tới khoảng 900 tỷ đồng.
Việc giảm liên tục các khoản phí, lệ phí dù ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách, nhưng Bộ Tài chính vẫn sẽ cố gắng triển khai các gói tài khóa hỗ trợ từ nay đến cuối năm 2022 nhằm phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ.