Bỏ room tín dụng: Cần chuẩn hóa được quá trình kiểm soát an toàn hệ thống

(CL&CS) - Trong bối cảnh Chính phủ đặt kế hoạch tăng trưởng GDP năm nay từ 8% trở lên, tạo đà cho tăng trưởng hai chữ số giai đoạn tới, tín dụng ngân hàng trở thành kênh dẫn vốn quan trọng để đạt mục tiêu này. Theo các chuyên gia, việc xóa bỏ cơ chế room tín dụng sẽ giúp người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn ngân hàng hơn.

Theo ông Lê Hoài Ân, chuyên gia nghiên cứu chiến lược ngân hàng, cho rằng trong năm nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% thì cho vay doanh nghiệp vẫn duy trì tăng cao hơn cho vay cá nhân. Sự chuyển dịch trong dòng chảy tín dụng cho thấy cần thiết có sự linh hoạt hơn trong phân bổ, nới room tín dụng hay tiến tới bỏ room tín dụng. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng hoạt động tốt cũng tạo cơ hội tăng trưởng tốt hơn nhiều.

Việc "tiến tới bỏ room tín dụng" cũng đã được các lãnh đạo NHNN đề cập nhiều lần trong thời gian gần đây. Tại hội nghị Thủ tướng làm việc với các ngân hàng thương mại vừa qua, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: "NHNN sẽ đổi mới biện pháp điều hành và có lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng". Theo Phó Thống đốc, trước mắt, room tín dụng sẽ được điều chỉnh tăng thêm cho các nhà băng trên cơ sở thực tế, thay vì cần văn bản đề nghị từ các tổ chức tín dụng. "Việc này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", ông Tú nói.

Từ 2011 đến nay, sau giai đoạn ngành ngân hàng tăng trưởng nóng và lạm phát lên mức hai chữ số, room tín dụng trở thành một trong những công cụ hiệu quả để NHNN kiểm soát chất lượng cho vay. Tuy nhiên, khi ngành ngân hàng dần tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế, nhiều chuyên gia đề xuất nhà điều hành nên bỏ việc duy trì cấp room này.

Một lãnh đạo ngân hàng quốc doanh cho rằng, việc bãi bỏ room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng chủ động hơn trong việc đưa ra kế hoạch kinh doanh. Năm 2024, bức tranh tăng trưởng tín dụng có sự phân hóa giữa các ngân hàng: có những ngân hàng tăng vượt mức trung bình toàn ngành, nhưng có những ngân hàng tăng trưởng rất thấp.

Nhìn ở góc độ ngân hàng, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, thành viên Ban điều hành HDBank, đánh giá việc bỏ room tín dụng ít nhất sẽ có tác động tâm lý tích cực, tạo cảm giác lạc quan. Đối với ngân hàng thì hỗ trợ doanh nghiệp, đối với người tiêu dùng cảm thấy việc vay vốn trở nên dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, đã có các cơ chế khác để quản trị ngân hàng hiệu quả. Các định chế tài chính quốc tế cũng có thể đánh giá việc này, từ đó nâng hạng tín nhiệm của ngân hàng của Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Tú Anh, trong giai đoạn đầu, NHNN có thể thử nghiệm cho khoảng 15 - 20 ngân hàng thuộc nhóm tốt nhất được tự do tăng trưởng tín dụng, trong khi các ngân hàng còn lại vẫn phải phân bổ tín dụng theo hạn mức.

“Việc này sẽ tạo ra động lực và khuyến khích các ngân hàng không nằm trong nhóm tự do phải nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả hoạt động để có thể gia nhập nhóm này. Việc tăng tín dụng cho các ngân hàng là điều tích cực, nhưng các ngân hàng muốn được tự do phải đáp ứng những tiêu chí và điều kiện nhất định”, ông Tú Anh cho hay.

Đồng thời, chuyên gia này khẳng định điều này không chỉ tạo ra sức ép cạnh tranh mạnh mẽ trong hệ thống ngân hàng mà còn thúc đẩy việc xây dựng các ngân hàng chất lượng tốt hơn. Đối với những ngân hàng không thể cạnh tranh được, sẽ cần phải xem xét các giải pháp sáp nhập hoặc hợp tác với nhau, qua đó tạo ra sự cạnh tranh tốt hơn. Tuy nhiên, “điều kiện để bỏ room tín dụng là chúng ta phải chuẩn hóa được quá trình kiểm soát an toàn hệ thống”, TS. Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.

Thực tế, năm ngoái, NHNN đã bỏ room tín dụng với nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Với các tổ chức tín dụng còn lại, cơ quan này rà soát để từng bước dỡ bỏ hạn mức. Các chuyên gia cũng cho rằng, việc bỏ room tín dụng sẽ khiến môi trường cạnh tranh giữa các ngân hàng sẽ trở nên gay gắt hơn. Bởi bản chất room tín dụng hiện tại là phân chia thị phần tín dụng cho mỗi ngân hàng theo mức nhất định hàng năm, song điều này sẽ triệt tiêu sự cạnh tranh giữa các ngân hàng. 

TIN LIÊN QUAN