Giới thiệu về đề án đo lường sự hài lòng của người dân với dịch vụ giáo dục công, ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT cho biết, đề án trên nhằm đánh giá khách quan chất lượng dịch vụ của các cơ sở giáo dục thông qua mức độ hài lòng, sự mong đợi của người dân, cha mẹ học sinh và học sinh, sinh viên đối với sự phục vụ của các cơ sở giáo dục. Đề án cũng đề xuất các biện pháp cải thiện chất lượng dịch vụ của cơ sở giáo dục và đào tạo, góp phần mang lại sự hài lòng ngày càng cao cho người dân.
Toàn cảnh hội nghị
Về phạm vi, đề án thực hiện việc đo lường mức độ hài lòng của người dân, cha mẹ học sinh và học sinh, sinh viên đối với các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân; thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT.
Theo ông Trần Quang Nam, việc đo lường gồm 5 nhóm tiêu chí, gồm: Tiếp cận dịch vụ giáo dục, cơ sở vật chất, môi trường giáo dục và đào tạo, hoạt động giáo dục, kết quả giáo dục.
Quá trình tiến hành đo lường sẽ diễn ra 4 bước.
Theo đó, quy trình xây dựng bộ công cụ và tài liệu hướng dẫn do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chủ trì và Văn phòng Bộ GD&ĐT phối hợp thực hiện.
Tiếp đó, các cơ sở giáo dục sẽ chủ động triển khai khảo sát tại đơn vị; Bộ GD&ĐT là đầu mối, phối hợp khảo sát độc lập.
Ở bước phân tích số liệu, Văn phòng Bộ và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đầu mối, phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Cuối cùng, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn khác tổng hợp, phân tích số liệu, đánh giá và công bố kết quả.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, Bộ GD&ĐT vừa ban hành quyết định phê duyệt đề án đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công, giai đoạn 2023-2030. Đề án được áp dụng cho từng cơ sở giáo dục, địa phương và ngành.
Thứ trưởng yêu cầu Văn phòng Bộ công khai đề án, khẩn trương xây dựng bộ tiêu chí đánh giá phù hợp với từng bậc học, trình độ đào tạo; trình Bộ trưởng ban hành và hướng dẫn các trường triển khai. Mục tiêu của việc đánh giá không đơn thuần là báo cáo với cơ quan quản lý. Việc đánh giá phải hướng sự hài lòng của người dân, người học với cơ sở giáo dục, từ đó cải tiến các quy trình nội bộ.
Về HEMIS, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, đây không chỉ là cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT mà là cơ sở dữ liệu của toàn ngành giáo dục và đào tạo.
Trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, hệ thống này được xác định là cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học. Đây cũng là mục tiêu phấn đấu trong tương lai: đưa hệ thống này trở thành cơ sở dữ liệu quốc gia. HEMIS không đơn thuần là nơi để các trường báo cáo, thống kê. Hệ thống này góp phần công tác chuyển đổi số của ngành giáo dục và đào tạo.
Để cơ sở dữ liệu này luôn "đúng, đủ, sạch, sống", hệ thống phải được cập nhật liên tục. Bất cứ sự thay đổi nào trong dữ liệu tại các trường, hệ thống này phải cập nhật. Đồng thời, những dữ liệu thống kê cần được tích hợp với các quy trình thủ tục, ứng dụng khác. Sắp tới, mỗi giảng viên, sinh viên có tài khoản trên hệ thống chung để xem, kiểm tra, sử dụng dữ liệu.