Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp không mua gom ồ ạt lúa gạo gây bất ổn thị trường

(cl&cs) - Các doanh nghiệp cần có phương án về nguồn hàng, duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn để sẵn sàng cung ứng khi cần thiết.

Từ giữa tháng 7 năm 2023 thị trường thương mại gạo toàn cầu bắt đầu có những dấu hiệu diễn biến phức tạp.

Theo đó, Bộ Công Thương cho hay tình hình thị trường thóc, gạo trong nước đang có diễn biến tăng giá. Do đó để thực hiện công tác bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung thóc, gạo, kiểm soát mức tăng giá lương thực trong nước, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh thành phố phối hợp thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường lúa gạo.

Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trưởng trên địa bản có phương án về nguồn hàng thóc, gạo đề bảo đảm cung ứng cho thị trưởng từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bản duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết.

Đặc biệt thực hiện việc thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước, tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá thóc, gạo trong nước tăng bất hợp lý.

Đượ biết, hôm nay 4/8, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023, bàn phương hướng điều hành xuất khẩu những tháng cuối năm. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường chủ trì.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.

Theo ước tính của cơ quan liên Bộ, đến hết tháng 7 năm 2023, Việt Nam ước xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp,… Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Hồng Kông, một số khu vực thị trường ghi nhận tăng trưởng vượt bậc như EU.

Tuy đạt được những kết quả tích cực trong nửa đầu năm 2023 nhưng đến giữa tháng 7 năm 2023 thị trường thương mại gạo toàn cầu bắt đầu có những dấu hiệu diễn biến phức tạp như: lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số thị trường (Ấn Độ, UAE, Nga); hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất ngũ cốc tại nhiều khu vực; tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp (Nga rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen)… Điều này dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023.

TIN LIÊN QUAN