Bình Dương phát triển du lịch gắn với nghề truyền thống

(CL&CS) - Những nghề truyền thống của Bình Dương như gốm, gỗ, sơn mài... đang được chính quyền địa phương tập trung phát triển gắn với du lịch. Những thương hiệu nổi tiếng của nghề truyền thống nơi này đã thu hút được nhiều du khách trải nghiệm và được đánh giá cao.

Có được sự ưng ý của du khách là nhờ những bàn tay khéo léo, tinh xảo của nghệ nhân. Vì thế, việc bảo tồn giá trị văn hóa các nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch sẽ góp phần tích cực trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bên cạnh những giá trị văn hóa - lịch sử gắn liền với vùng đất này, nghề truyền thống tại Bình Dương được xác định là một trong những tài nguyên mang giá trị đặc trưng để hình thành sản phẩm du lịch.

Với bàn tay khéo léo, tinh xảo của các nghệ nhân, sản phẩm gốm rất được du khách ưa chuộng.

Hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch là mối quan tâm chung của Bình Dương khi nhiều công trình nghiên cứu của các chuyên gia trong và ngoài tỉnh đã được thực hiện. Thời gian qua, Bình Dương đã ban hành một số văn bản liên quan đến công tác bảo tồn, phát triển nghề truyền thống và làng nghề truyền thống.

Theo định hướng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đã được phê duyệt, một trong sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh là tham quan làng nghề thủ công truyền thống. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sản phẩm du lịch tham quan làng nghề truyền thống vẫn còn manh mún, chưa thật sự trở thành sản phẩm dịch vụ hoàn chỉnh để đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch, tạo nguồn thu cho ngành du lịch, góp phần cải thiện kinh tế cho các cơ sở sản xuất từ nghề truyền thống.

Sản phẩm tranh sơn mài được du khách yêu thích

Vì vậy, để đánh giá một cách tổng quan và thực tế nhất về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh nói chung, đặc biệt là phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh nói riêng, mới đây, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Bình Dương đã có đợt giám sát tình hình thực tế tại TP.Thuận An, TP.Tân Uyên và TP.Thủ Dầu Một.

Trên cơ sở kết quả giám sát, Ban đã kịp thời tham mưu cấp tỉnh xây dựng những chính sách phù hợp, góp phần khôi phục, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là những nghề truyền thống được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

TIN LIÊN QUAN