Ngày 22-5, UBND tỉnh Bình Dương đã có cuộc họp với các sở, ngành để thúc đẩy tiến độ các dự án giao thông quan trọng. Theo đó, đơn giá bồi thường dự án Vành đai 3 qua địa phận tỉnh Bình Dương được tính theo đơn giá đất ở từng địa phương.
Ước tính có gần 1.000 hộ dân tại ba thành phố của Bình Dương là: Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một phải bàn giao mặt bằng cho dự án. Chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án vành đai 3 qua địa bàn Bình Dương lên tới 13.528 tỉ đồng.
Cụ thể, tại TP. Thủ Dầu Một, đơn giá bồi thường cao nhất là đất thổ cư với giá hơn 42 triệu đồng/m2 nằm trên Quốc lộ 13; đất nông nghiệp, thương mại dịch vụ có giá bồi thường cao nhất 27 triệu đồng/m2, thấp nhất 3 triệu đồng/m2.
Tại TP. Thuận An, đơn giá cao nhất 41,7 triệu đồng/m2 đối với đất thổ cư trên đường Cách Mạng Tháng Tám; còn đất nông nghiệp, thương mại dịch vụ có giá bồi thường khác nhau tùy vị trí.
Tại TP. Dĩ An, đơn giá cao nhất hơn 41,9 triệu đồng/m2 là đất thổ cư trên đường Xa lộ Hà Nội, xếp sau là 35 triệu đồng/m2 đất thổ cư trên đường ĐT.743.
Dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Bình Dương dài hơn 26km. Trong đó, Bình Dương đã chủ động làm và đưa vào sử dụng 15,3km, còn gần 11km đi qua 3 địa phương là thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An chưa đầu tư.
Bản đồ vành đai 3
Trước đó, theo Kế hoạch số 5352 ngày 12/10/2022 của UBND tỉnh Bình Dương, thời gian dự kiến UBND tỉnh phê duyệt đơn giá bồi thường đất trước ngày 15/3/2023. Tuy nhiên, đến nay tỉnh mới phê duyệt đơn giá bồi thường.
Báo cáo tại kỳ họp, đại diện các địa phương cho biết áp lực giải ngân tiền đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng là rất lớn. Trong thời gian ngắn mỗi địa phương phải giải ngân số tiền lên tới hàng ngàn tỉ đồng nhưng sẽ quyết tâm làm nhanh để tới cuối tháng 6/2023 có thể khởi công dự án.