Bình Định với vẻ đẹp không khoe khoang

(NTD) - Buổi tối ở Quy Nhơn, tôi gọi một chiếc xích lô. Anh xích lô ngồi trước khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn nói với tôi về giá cả cho đoạn đường tôi chọn lựa: “Dạ, em tính 30 ngàn nhưng anh đưa 20 ngàn cũng được!” Tất nhiên tôi trả 30 ngàn đồng cho một cung đường đêm Quy Nhơn với cảm tình đặc biệt dành cho anh xích lô hiền lành, dễ mến.

Mọi người hay bảo các điểm du lịch ở Việt Nam là: Vẻ đẹp tiềm ẩn. Còn tôi lại nghĩ về một vẻ đẹp thật sự đã bung nở của miền đất võ này từ tính cách con người.

Tháp bánh ít.

 

Ẩm thực vỉa hè thú vị

Khi đến một vùng đất du lịch, mọi người sợ nhất là nạn chặt chém, chất lượng dịch vụ không tương xứng và đi rồi về với nỗi buồn. Bình Định không phải là một tỉnh làm du lịch mạnh, không thể nào so với đàn anh đàn chị ở miền Trung như Nha Trang, Đà Nẵng, Huế... nhưng Bình Định đã biết tận dụng những gì mình đang có, chăm chút và giữ gìn, không khoe khoang mà tỏa hương.

Chúng tôi thử làm cuộc hành trình cùng Bình Định với Trung tâm du lịch lữ hành Hải Âu. Và đánh giá đầu tiên của chúng tôi chính là phương tiện đi chuyển, hướng dẫn viên địa phương am hiểu tường tận điểm đến, biết dẫn lịch sử... và dẫu rất quen trong những cuộc hành trình đến Quy Nhơn, tôi đã mang trong lòng mình một cảm giác tốt.

Đêm Quy Nhơn, chỉ loanh quanh với con đường biển đã là thú vị, phố nhiều quán ăn. Cái nét ẩm thực vỉa hè làm cho thành phố sinh động và rộn ràng. Khu vui chơi đông đúc nhất thành phố là khu vực siêu thị Coopmart và khu phố ăn uống đường Xuân Diệu. Ghé ăn bún cá, ăn gỏi, ăn gà... nói chung là những món ăn không cầu kỳ mà tỏa trong đó niềm vui, vui vì còn nghe giọng địa phương có gì đó đẫm niềm vui.

Khách sạn tôi ở là khách sạn Hải Âu nằm ngay bờ biển, trong phòng có để bốn chiếc bánh ít lá gai mời khách. Chiếc bánh ít lá gai đã trở thành món ngon vật lạ cho khách ghé thăm bằng cách ân cần như thế. Để rồi hành trang mang về sau chuyến ghé qua không thể thiếu bánh ít lá gai, bánh tráng dừa, tré, nem chợ Huyện, bánh hồng và tất nhiên là rượu Bàu đá. Ngẫm lại mà hay, của ngon vật lạ nơi này nhiều đến thế. Ngay cả tô bún chả cá với chả cá được làm từ cá thu, cùng nước lèo được nấu từ xương và đầu cá thu, trong veo, ngọt tự nhiên để lại cho người ăn cảm giác khó quên. Bún chả cá Bình Định có mặt nhiều nơi đủ để níu chân du khách. Để ngạc nhiên khi trong bữa ăn có cá hố hoặc cá thu chiên ăn với mắm đâm, rau rừng luộc. Món quen đến thế nhưng thành món ngon.

Cây me di sản trong Bảo tàng Quang Trung.

Đất Tây Sơn và giếng cổ gia đình Nguyễn Huệ

Bây giờ trong cuộc hành trình du khách đều ghé Bảo Tàng Tây Sơn (Phú Phong, huyện Tây Sơn). Bảo tàng cách thành phố Quy Nhơn theo quốc lộ 19 về hướng tây hơn 42km, quê hương của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Bảo tàng xây dựng trên chính nền nhà cũ của gia tộc Nguyễn Huệ, có cổ thụ tỏa bóng mát, vườn cây do các lãnh đạo Nhà nước và địa phương trồng được chăm sóc tốt tươi. Bảo tàng Quang Trung có cây me di sản và giếng cổ của gia đình Nguyễn Huệ được ghép bằng đá ong.

Tại núi Ấn Sơn, thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn là đàn tế trời đất được xây dựng trên diện tích hơn 46ha gồm các hạng mục chính như: Đàn tế trời đất, khu đền ấn, đường hành lễ... Trong đó, điểm đặt đàn tế là đỉnh núi Ấn. Đàn tế có 2 tầng nền gồm hình vuông bên dưới và hình tròn bên trên tượng trưng cho trời và đất. Quanh khu Đàn tế từ đỉnh Ấn Sơn đi xuống còn có Đền Ấn, trong đó có khu vực đặt bài vị của ba anh em nhà Tây Sơn, hồ bán nguyệt, nghi môn, nhà quản lý khu di tích. Theo đó, Ấn Sơn là ngọn núi thấp, được bao bọc bởi những dãy núi cao trùng điệp. Với người dân Bình Định từ xa xưa, ngọn Ấn Sơn là nơi linh khí tụ hội. việc xây dựng đàn tế trời như dấu án cho sự bình yên.

Cầu Thị Nại vắt qua biển và khu bán đảo Phương Mai rộn ràng phát triển du lịch với các bãi biển đẹp mê hồn người, mà điểm đến chính là Chùa Ông Núi. Chùa Ông Núi (Linh Phong Tự) ở thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định ngay lưng chừng đỉnh Chóp Vung, đỉnh cao nhất của dãy núi Bà đã tồn tại hơn 320 năm với 12 đời thừa kế, đã là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Chuyện kể chùa do Tổ Giám Huyền và đệ tử Tánh Bang (Lê Ban) sáng lập năm Giáp Tý (1684) niên hiệu Chánh Hòa thứ 5 thời vua Lê Hy Tông (trong Đại Nam nhất thống chí thì chùa thành lập năm 1702, Chánh Hòa thứ 11- Nhà Lê). Sau đó sư thầy Giám Huyền giao lại cho đệ tử Lê Ban (tức thiền sư Thiện Trì Tịnh Giác) để đi vào Nam tu hành.

Sư Lê Ban dựng một ngôi chùa bằng cỏ tranh ở trên núi tu luyện, hằng ngày ra rừng hái thuốc đem xuống núi chữa bệnh cứu người. Ông dùng vỏ cây làm quần áo. Cách đổi gạo hoặc vật dụng của ông là lấy củi để ven lộ, dân đem gạo treo gốc cây gần đó, rồi lấy củi mang về. Có một thời gian dân không thấy ông đem củi xuống, lên chùa tìm thì ông đã viên tịch vào năm Thái Đức thứ 8, đời vua Nguyễn Nhạc nhà Tây Sơn.

Giếng cổ Tây Sơn.
Khu mộ Hàn Mặc Tử.
Tất nhiên là Bình Định còn nhiều điều để kể để tới. Như Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) tại Ghềnh Ráng, là một tuyệt tác do kiến trúc sư người Pháp nổi tiếng Jean François Milou thiết kế, nằm dọc bờ biển phía đông nam thành phố Quy Nhơn, với diện tích hơn 20ha. Trung tâm là nơi đào tạo đến trình độ thạc sĩ chuyên ngành (thông qua sự hợp tác của các trường đại học trong và ngoài nước) với tường xây, trụ cột không tô và cây cầu bắt qua một con sông nhỏ trữ tình và lãng mạn. Bao nhiêu đó cũng đủ cho bao người tìm đến, Bình Định không còn tiềm ẩn.

Bài & ảnh: Trường Khuê

 
Nên đọc