BIDV sẽ trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 12,69%, vốn điều lệ tăng thêm 6.419 tỷ đồng

(CL&CS) - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021.

Hiện nay, BIDV là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất trong ngành với 2.124.768 tỷ đồng.

Theo đó, vốn điều lệ hiện nay của BIDV là 50.585 tỷ đồng, ngân hàng sẽ phát hành thêm 641.926.672 cổ phiếu, tỷ lệ 12,69% cho cổ đông để tăng vốn điều lệ lên 57.005 tỷ đồng.

Thời gian phát hành dự kiến thực hiện trong quý 4/2023 theo chấp thuận của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Hiện nay, cổ đông lớn nhất của BIDV là Ngân hàng Nhà nước sở hữu 4.096.775.461 cổ phiếu, tỷ lệ 80,99% và Keb Hana Bank Co.,Ltd. (ngân hàng lớn thứ 5 tại Hàn Quốc dựa trên tổng tài sản) sở hữu 758.778.572 cổ phiếu, tỷ lệ 15%. Các cổ đông nhỏ lẻ còn lại sở hữu 202.969.785 cổ phiếu, tỷ lệ 4,01%.

Sự cần thiết tăng vốn điều lệ

BIDV cho biết, theo đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” được phê duyệt tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu là phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại đạt tối thiểu là 10-11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11-12%.

Tại Quyết định số 412/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31/3/2022 phê duyệt Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030 đặt ra mục tiêu tỷ lệ an toàn vốn tổi thiểu của các ngân hàng thương mại giai đoạn 2021-2025 đạt 11-12%; đến năm 2030 duy trì tối thiểu 12%; tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tài sản có rủi ro của khối ngân hàng ở mức tối thiểu 9%.

Hiện tại hệ số CAR riêng lẻ của BIDV tại 31/12/2022 đạt ở mức 8,92%, đáp ứng trên mức yêu cầu tối thiểu của Ngân hàng Nhà nước (>=8%), tuy nhiên để phấn đấu đạt hệ số CAR theo định hướng của Chính phủ và ngành ngân hàng như nêu trên, BIDV cần tiếp tục gia tăng vốn tự có.

Trên khía cạnh quản trị rủi ro, BIDV đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN (theo chuẩn mực Basel 2) từ tháng 11/2019 và đã triển khai khung đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP) theo yêu cầu Thông tư 13/2018/TT-NHNN. Các nước trong khu vực đã thực hiện áp dụng Basel 3 hoặc một phần của Basel 3.

Ngân hàng Nhà nước định hướng các ngân hàng thương mại có năng lực tài chính tốt chuyển dần sang áp dụng Basel 2 theo phương pháp nâng cao. Để đảm bảo an toàn vốn đáp ứng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và hướng dần tới thông lệ, BIDV cần tiếp tục gia tăng vốn tự có, trong đó tăng vốn điều lệ là một trong những nguồn tăng giữ vai trò nền tảng nâng cao chất lượng vốn cũng như tạo điều kiện cho các nguồn tăng thứ cấp khác.

Phương án sử dụng vốn điều lệ tăng thêm

Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến sẽ được dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh, được phân bổ sử dụng vào các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của BIDV với cơ cấu hợp lý và đảm bảo sử dụng vốn có hiệu quả, an toàn, tối đa hóa lợi ích cho các cổ đông.

Tiến độ sử dụng vốn điều lệ tăng thêm để bổ sung vốn hoạt động kinh doanh phù hợp theo tiến độ tăng vốn điều lệ và tình hình thị trường, do HĐQT (hoặc cấp được HĐQT phân cấp, ủy quyền), xem xét, quyết định phù hợp với quy định của pháp luật và của BIDV.

TIN LIÊN QUAN