Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 13.862 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong nửa đầu năm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của BIDV ghi nhận giảm đặc biệt trong quý 2, tuy nhiên nhờ cắt giảm gần 30% chi phí dự phòng rủi ro (tương đương hơn 4.100 tỷ đồng), ngân hàng vẫn ghi nhận tăng trưởng dương về lợi nhuận trong nửa đầu năm.
Việc sụt giảm lợi nhuận là do một số mảng kinh doanh ghi nhận tăng trưởng thấp hoặc giảm mạnh so với cùng kỳ khiến tổng thu nhập hoạt động (TOI) của BIDV chỉ tăng 1,2% nhưng chi phí hoạt động lại tăng 17,7%.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng nhẹ 1,1% (do sụt giảm trong quý II); lãi thuần từ mảng dịch vụ và ngoại hối ghi nhận tăng trưởng 14,8% và 20,5% lần lượt mang về 3.189 tỷ đồng và 1.457 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 56%, còn 29 tỷ đồng; hoạt động khác giảm lãi 28%, còn 2.011 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động tăng 18% lên mức 11.202 tỷ đồng do tăng chi phí cho nhân viên và tăng chi quản lý công vụ.
Tính riêng quý 2, ngân hàng giảm 35% chi phú dự phòng rủi ro, chỉ dành ra 4.192 tỷ đồng, do đó thu được 6.942 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 7% so với cùng kỳ.
Tổng tài sản BIDV tăng 0,2% trong 6 tháng đầu năm và đạt hơn 2,12 triệu tỷ đồng. Tính tới cuối tháng 6/2023, cho vay khách hàng của BIDV đạt 1,63 triệu tỷ đồng, tăng 7%, cao nhất nhóm big 4, tiền gửi khách hàng tăng 4,9% lên hơn 1,5 triệu tỷ đồng.
Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu của BIDV tăng hơn 47% với 25.970 tỷ đồng, một nửa trong số đó là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) với gần 13.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 1,59%.
BIDV giải thích, 6 tháng đầu năm nay ngân hàng chuyển dịch cơ cấu hoạt động theo hướng bền vững, kiểm soát chất lượng tín dụng theo mục tiêu, giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng so với cùng kỳ là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận tăng. Ngoài ra, hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng đạt mức tăng trưởng tốt.
Năm 2023, BIDV trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng 10-15% , phù hợp với diễn biến thị trường, năng lực của BIDV và phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát không quá 1,4%. Dư nợ tín dụng tăng trưởng đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng do Ngân hàng Nhà nước giao. Huy động vốn phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng; bảo đảm an toàn, hiệu quả.