Bia đá kể chuyện - Góc nhìn mới về kho tàng di sản Văn Miếu

(CL&CS) - Nhân dịp đón xuân Ất Tỵ 2025 và kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức trưng bày chuyên đề "Bia đá kể chuyện" tại Khu Vườn bia Tiến sĩ. Sự kiện này còn mang ý nghĩa đặc biệt khi hướng tới dịp kỷ niệm 950 năm khoa thi Nho học đầu tiên của Việt Nam (1075 - 2025).

Phát biểu tại lễ khai mạc, TS Nguyễn Văn Tú - Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: "Giá trị của 82 tấm bia đá Đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ gói gọn trong nội dung văn bia viết bằng chữ Hán và những hoa văn trang trí trên diềm bia mà ẩn chứa trong đó là hàng nghìn câu chuyện thú vị về 1304 vị Tiến sĩ cũng như 82 khoa thi kéo dài trong thời gian 4 thế kỷ được kể một cách trực quan, sinh động.

Thông qua trưng bày này, chúng tôi hi vọng sẽ cung cấp cho công chúng tham quan một góc nhìn mới, gần gũi và đầy tính khám phá về bia Tiến sĩ và giáo dục khoa cử nước ta".

Thông qua trưng bày, giúp công chúng có góc nhìn mới, gần gũi và đầy tính khám phá về bia Tiến sĩ.

Kế thừa thành công từ triển lãm năm 2022, trưng bày lần này tập trung khai thác giá trị nội dung và nghệ thuật của toàn bộ 82 bia Đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nội dung được trình bày theo bốn chủ đề chính, bao gồm: "Chiêu mộ hiền tài" giới thiệu về nền giáo dục khoa cử Nho học; "Con đường khoa cử" đi sâu vào hệ thống thi cử và chế độ đãi ngộ dành cho người đỗ đạt; "Gương sáng tiền nhân" nêu bật các danh nhân có đóng góp tiêu biểu cho nền giáo dục nước nhà; và "Tài hoa nghệ thuật" giúp người xem cảm nhận được tài năng và thế giới quan phong phú của các nghệ nhân tạo tác bia.

Các đại biểu và du khách nghe thuyết minh về trưng bày.

Việc đặt triển lãm gần những tấm bia sẽ tạo hiệu ứng thị giác và tâm lý mạnh mẽ, giúp công chúng được tiếp cận gần hơn với các bia Tiến sĩ. Qua đó, người xem không chỉ cảm nhận được giá trị của những tư liệu hiện hữu mà còn khám phá được những điều ẩn chứa trong 82 tấm bia đá này.

Điểm đặc sắc của trưng bày nằm ở cách kể chuyện trực quan và sinh động về 1.304 vị Tiến sĩ cùng 82 khoa thi diễn ra trong suốt bốn thế kỷ. Giá trị của các bia đá không chỉ nằm ở nội dung văn bia bằng chữ Hán hay những hoa văn trang trí trên diềm bia, mà còn ẩn chứa hàng nghìn câu chuyện thú vị về nền giáo dục khoa cử nước nhà.

Ông Trương Quốc Toàn, chuyên gia thiết kế trưng bày chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn du khách khi tham quan vườn bia có thể lưu lại lâu hơn để tìm hiểu ý nghĩa, giá trị nội dung của từng tấm bia tại Văn Miếu. Điều này không chỉ góp phần quảng bá, phát huy di sản tư liệu thế giới mà còn giúp cho Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám làm tốt việc bảo tồn, thực hiện nhiệm vụ phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa của Hà Nội".

Triển lãm "Bia đá kể chuyện" tại khu vườn bia Tiến sĩ thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hứa hẹn mang đến cho công chúng một góc nhìn mới mẻ, gần gũi và đầy tính khám phá về di sản văn hóa quý giá của dân tộc.

TIN LIÊN QUAN