Bệnh ung thư tuyến tụy cực kỳ nguy hiểm

(CL&CS) - Bệnh nhân ung thư tuyến tụy có tỉ lệ tử vong lên tới 95%, hiếm khi được phát hiện ở giai đoạn đầu. Người béo phì, hút thuốc lá thường xuyên, mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao phát triển ung thư tuyến tụy.

Tuyến tụy là cơ quan nằm ở phía sau dạ dày, sát thành sau của ổ bụng, thường tiết ra các enzyme hỗ trợ tiêu hóa và sản xuất hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

Ung thư tuyến tụy là gì?

Các dấu hiệu của ung thư tuyến tụy thường không xảy ra cho đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng, bao gồm: Đau bụng và lan ra sau lưng; chán ăn hoặc sụt cân ngoài ý muốn; vàng da và lòng trắng của mắt; nước tiểu sẫm màu; phân màu sáng; ngứa da; hình thành cục máu đông và thường xuyên mệt mỏi.

Ung thư tuyến tụy xảy ra khi các tế bào trong cơ quan này bị đột biến DNA. Những đột biến khiến tế bào phát triển không kiểm soát và tiếp tục sống sót sau khi tế bào thường chết đi. Những tế bào này có thể tích tụ, tạo thành khối u.

Khi không được điều trị, các tế bào ung thư tuyến tụy có thể di căn sang cơ quan và mạch máu trong cơ thể. Hầu hết ung thư tuyến tụy bắt đầu ở các tế bào lót ống dẫn của tuyến tụy. Loại ung thư này được gọi là ung thư biểu mô tuyến tụy hoặc ung thư tuyến tụy ngoại tiết.

Với trường hợp ít gặp, ung thư có thể hình thành trong các tế bào sản xuất hormone hoặc nội tiết thần kinh của tuyến tụy. Những loại ung thư này gọi là khối u thần kinh nội tiết tuyến tụy, khối u tế bào tiểu đảo hoặc ung thư nội tiết tuyến tụy.

Bệnh nhân ung thư tuyến tụy có tỉ lệ tử vong lên tới 95% (Ảnh: Getty)            

Các yếu tố có thể gây ung thư tuyến tụy

Sử dụng thuốc lá: Theo American Cancer Society, hút thuốc là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất với ung thư tuyến tụy. Nguy cơ mắc căn bệnh này ở những người hút thuốc cao gấp đôi so với trường hợp chưa bao giờ hút thuốc. Khoảng 25% trường hợp ung thư tuyến tụy được cho là do hút thuốc lá.

Thừa cân, béo phì: Những người béo phì, chỉ số khối cơ thể BMI từ 30 trở lên, có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy cao hơn khoảng 20%.

Bệnh tiểu đường: Ung thư tuyến tụy phổ biến hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường type II, vốn hiện đang gia tăng với trẻ em và thanh thiếu niên do tình trạng béo phì.

Viêm tụy mãn tính: Viêm trong thời gian dài của tuyến tụy dẫn đến tình trạng này, có liên quan việc tăng nguy cơ ung thư; thường xảy ra ở những người uống rượu và hút thuốc.

Các yếu tố khác: Nguy cơ phát triển ung thư tuyến tụy tăng lên khi con người già đi, đa số trên 45 tuổi. Khoảng 2/3 người bệnh là trên 65 tuổi. Tuổi trung bình tại thời điểm chẩn đoán bệnh là 70. Nam có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy cao hơn nữ.

Diễn biến các giai đoạn ung thư tuyến tụy

Ung thư tuyến tụy gồm 2 loại là ngoại và nội tiết. Khả năng sống sót của người mắc ung thư tuyến tụy phụ thuộc 4 giai đoạn.

Người béo phì có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy cao hơn khoảng 20% (Ảnh: Reuters)

Đầu tiên, giai đoạn 0 xuất hiện khi tế bào ung thư giới hạn ở lớp trên cùng của các tế bào ống tụy, chưa xâm lấn vào các mô sâu hơn. Nó cũng chưa tràn ra ngoài tuyến tụy. Lúc này, chúng còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ (Tis).

Giai đoạn I xảy ra khi tế bào ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết hoặc bộ phận khác của cơ thể. Lúc này, các khối u thường nhỏ hơn 2 cm, có thể lớn hơn nhưng không vượt quá 4 cm.

Ở giai đoạn IIA, khối u lớn hơn 4 cm, vượt ra ngoài tuyến tụy. Tuy nhiên, nó chưa lan đến các động mạch, tĩnh mạch, hạch bạch huyết hoặc bộ phận khác trong cơ thể. Đến giai đoạn IIB, khối u phát triển lớn, lan ra một đến 3 hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa tiếp cận động hay tĩnh mạch.

Giai đoạn IIIA đánh dấu bởi việc khối u lan tới 4 hạch bạch huyết nhưng vẫn chưa xâm lấn động mạch, tĩnh mạch và bộ phận khác. Bước sang giai đoạn IIIB, khối u chính thức “ăn” vào các động, tĩnh mạch nhưng chưa tới những bộ phận khác.

Giai đoạn IV là giai đoạn cuối, lúc bệnh nhân bị di căn. Các tế bào ung thư xâm lấn cơ quan khác như phổi, xương, gan… Ngay cả sau khi điều trị, bệnh cũng có thể tái phát.

TIN LIÊN QUAN