Bất chấp khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn đầy triển vọng

(CL&CS) - Dưới góc nhìn của các tổ chức uy tín thế giới thì Việt Nam nằm trong số ít những nền kinh tế ở châu Á ghi nhận mức tăng trưởng dương trong năm nay, bất kể những ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ hai.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10/2020, trong đó nhận định GDP của Việt Nam có thể đạt 2,5-3,0% trong năm 2020, với sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ và sâu rộng hơn trong thời gian tới. 

Kinh tế Việt Nam đã phục hồi trong quý 3 với mức tăng trưởng đạt 2,62% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng trưởng 0,39% của quý 2 bất chấp dịch Covid-19 tái bùng phát ở Đà Nẵng và các tỉnh thành lân cận. 

WB nhận định tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam trong quý 3 vững chắc hơn nhờ tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ đều tăng gấp đôi trong tháng 9 so với tháng 8.

"Nền kinh tế tăng trưởng 2,1% trong 9 tháng đầu năm 2020. Con số này thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng đạt 7% trong cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn là một kết quả ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19 trên toàn cầu" - báo cáo cho biết.

Ngân hàng Standard Chartered duy trì quan điểm tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.

Cũng theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và vượt lên 7,8% vào năm 2021. Hoạt động tiêu dùng gia tăng nhờ yếu tố tâm lý thị trường được cải thiện và lĩnh vực sản xuất tăng tốc sẽ là động lực tăng trưởng chính trong quý 4 năm nay.

Chia sẻ mới đây, đại diện Ngân hàng Standard Chartered cho biết: “Việt Nam nằm trong số ít những nền kinh tế ở châu Á ghi nhận mức tăng trưởng dương trong năm nay, bất kể những ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ hai.

Ngân hàng Standard Chartered cũng dự đoán tăng trưởng trong quý 4 sẽ gia tăng nhờ sự phục hồi của hoạt động kinh tế trong nước và yếu tố tâm lý thị trường. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ được cải thiện sẽ giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng vượt trội hơn so với các nền kinh tế khác tại châu Á.

“Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn”- đại diện Ngân hàng Standard Chartered khẳng định.

Khối Nghiên cứu kinh tế của Tập đoàn HSBC trong báo cáo tháng 10 cũng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 8,1% trong năm tới, trong khi sẽ chỉ tăng 2,6% năm nay. Rất nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế và trong nước gần đây dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 quanh mức 7%.

Kỳ vọng về sự phục hồi mạnh, tăng trưởng cao - như một số dự báo trên là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu đại dịch về cơ bản được kiểm soát tại nhiều quốc gia trên thế giới và các thị trường toàn cầu cũng phục hồi trở lại.

Theo các chuyên gia,  kinh tế Việt Nam vẫn có sức bật tương đối tốt trong bối cảnh có nhiều khó khăn như hiện này là do Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các biện pháp giảm thuế, hoãn nộp thuế và miễn phí sử dụng đất đối với các doanh nghiệp. Luật Đầu tư tại Việt Nam đã được sửa đổi chủ yếu nhằm tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư bằng cách giảm các thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trên thực tế, sự phục hồi kinh tế đang diễn ra ở các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công thương, 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Một trong những động lực thương mại quan trọng nhất giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi chính là xuất khẩu. Và Hiệp định EVFTA đang hỗ trợ thêm cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam ra ngoài khu vực ASEAN.

TIN LIÊN QUAN