Chương trình nhằm mục tiêu chung là bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi tiếp cận môi trường mạng và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức; trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em để biết tự bảo vệ mình; đồng thời truyền thông đến toàn xã hội về kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, định hướng trẻ em tương tác an toàn, lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; thực hiện các giải pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em; bảo đảm các điều kiện cần thiết để trẻ em được tham gia an toàn, lành mạnh và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp để trẻ phục hồi khi chịu tác động tiêu cực từ môi trường mạng; hình thành và phổ cập Hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng của Việt Nam trên môi trường mạng đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em.
Chương trình cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể cần đạt, đó là: 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn; 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội; phấn đấu 100% tổ chức, cá nhân khi bị tố giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng bị xử lý theo quy định của pháp luật; …
Để thực hiện các mục tiêu trên, chương trình đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp, bao gồm: Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý; giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng; triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực thực thi pháp luật; và tăng cường hợp tác quốc tế.
Đáng chú ý việc rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng được gắn liền với việc cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương; sửa đổi, bổ sung các chế tài nghiêm minh để xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự các hành vi xâm hại trẻ em; quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của cha, mẹ, các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em trong việc quản lý, giám sát trẻ em tiếp cận và tương tác trên môi trường mạng; … Hoàn thiện hành lang pháp lý còn gắn liền với hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, trong đó tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng cơ chế phối hợp, quy trình xử lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan; thiết lập cơ chế liên ngành theo dõi tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng; hình thành mạng lưới bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng; thành lập các trung tâm tư vấn, hỗ trợ giúp trẻ phục hồi về tâm lý, thể chất và tinh thần cũng như hỗ trợ pháp lý cho trẻ;…
Tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức ở quy mô quốc gia đi liền với đổi mới cách thức, nội dung công tác truyền thông theo hướng gần gũi, sinh động để thu hút trẻ em; lồng ghép vào chương trình giáo dục các nội dung trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về môi trường mạng cho trẻ em và kỹ năng cơ bản khi tham gia sử dụng Internet; trang bị “bộ kỹ năng số” cơ bản cho trẻ em; đẩy mạnh các hình thức tư vấn hỗ trợ trẻ em thông qua tư vấn học đường; khuyến khích, thúc đẩy gia đình, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên, phóng viên, biên tập viên, nhà báo chủ động, thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình, tìm hiểu thông tin và khả năng tự phát hiện, tố cáo các hành vi có nguy cơ xâm hại khi tham gia môi trường mạng; phát triển các sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông hỗ trợ học tập trên môi trường mạng để trẻ em truy cập, khai thác nguồn tài nguyên trực tuyến một cách chủ động, sáng tạo, hiệu quả và an toàn.
Về các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, Chương trình yêu cầu thiết lập các kênh thông tin thân thiện để tiếp nhận phản ánh; đưa vào sử dụng trong ngành giáo dục và đào tạo các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, các kho học liệu, xuất bản phẩm điện tử nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập trên môi trường mạng, đồng thời quản lý tốt việc học sinh truy cập mạng; thiết lập cơ sở dữ liệu CSAM (Child Sexual Abuse Material - CSAM) của Việt Nam nhằm ngăn ngừa việc đăng tải, chia sẻ các hình ảnh/video xâm hại trẻ em dựa trên ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, học máy, phân tích dữ liệu lớn...; yêu cầu các trang web có tên miền quốc gia “.vn”, các trang web có địa chỉ IP tại Việt Nam tự thực hiện chặn lọc nội dung xâm hại trẻ em và hiển thị thông báo nội dung phù hợp; khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số, nội dung số, truyền thông số Việt Nam phát triển, làm chủ các công nghệ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng và các ứng dụng, nội dung giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Chương trình cũng nêu rõ yêu cầu cần tăng cường hợp tác giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, hợp tác giữa Chính phủ với Chính phủ, tham gia các tổ chức, cam kết và mạng lưới quốc tế về bảo vệ trẻ em.
Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình. Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan được phân công trách nhiệm rõ ràng trong việc thực hiện Chương trình.
Đối với các doanh nghiệp, Chương trình nêu rõ cần phải xây dựng chính sách, triển khai các giải pháp, biện pháp để ngăn chặn và xử lý các nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet (ISP) cần phải ngăn chặn việc chia sẻ và chặn lọc thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm hại đến trẻ em, quyền trẻ em theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến cần phải triển khai công cụ kiểm soát thời gian chơi, độ tuổi người chơi để bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng lạm dụng, nghiện trò chơi điện tử theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng cần phải kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm hại đến trẻ em, quyền trẻ em. Khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên. Phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư. Thực hiện cảnh báo hoặc theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, xuyên tạc xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. Thiết lập tính năng và tích hợp với hệ thống tiếp nhận phản ánh của cơ quan chức năng có thẩm quyền để cho phép người sử dụng có thể thông báo các thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, xuyên tạc, xâm hại trẻ em. Doanh nghiệp sản xuất các thiết bị di động thông minh, máy tính và doanh nghiệp sản xuất phần mềm, dịch vụ nội dung số được khuyến khích cài đặt các phần mềm/giải pháp/công cụ cho phép cha mẹ/người bảo hộ quản lý, giám sát việc sử dụng của trẻ em trước khi đưa sản phẩm, dịch vụ thị trường.
Đối với các cơ quan báo chí, truyền thông, phương tiện thông tin đại chúng, Chương trình khuyến khích, thúc đẩy phóng viên, biên tập viên, nhà báo chủ động, thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình, tìm hiểu thông tin và khả năng tự phát hiện, tố cáo các hành vi có nguy cơ xâm hại khi tham gia môi trường mạng; tăng thời lượng, hàm lượng tin đưa nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về tầm quan trọng và phản ảnh đúng đắn thực trạng của vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật. Khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên.
Chương trình được phê duyệt có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đây là chương trình quốc gia đầu tiên của Việt Nam nhằm bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng internet, được dư luận trong và ngoài nước hoan nghênh, ủng hộ. Theo TTXVN, ngày 11/6, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã bày tỏ hoan nghênh việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt Chương trình này. Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đã có những ý kiến bày tỏ dưới đây (Nguồn TTXVN).
Bà Rana Flowers cho rằng, internet mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng nhiều nguy cơ. Chương trình mới được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt đã tính đến sự cần thiết phải cân bằng giữa việc giải quyết các nguy cơ cho trẻ em và những thay đổi đầy hứa hẹn mà kỹ thuật số mang đến cho trẻ em. Đó là sự kết nối các em với phương pháp học tập đầy sáng tạo, cách giải quyết vấn đề, nâng cao sự hiểu biết và kỹ năng mà các em cần có để thành công trong thế giới kỹ thuật số.
Theo bà Rana Flowers, để giải quyết vấn đề xâm hại trẻ em trên mạng internet thì cần có sự cam kết của Chính phủ và sự tự điều chỉnh của các nền tảng trực tuyến cũng như các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, việc ngăn chặn xâm hại trên môi trường mạng sẽ chỉ thành công khi có sự tham gia tích cực, đầy đủ của các bậc cha mẹ và bản thân trẻ em được trang bị các thông tin về nguy cơ cũng như các biện pháp phòng tránh, trình báo xâm hại trên mạng.
UNICEF bày tỏ lo ngại về sự an toàn trên không gian mạng của trẻ em trong năm lĩnh vực chính. Đó là, việc người lớn vô tình cung cấp quá nhiều thông tin để những kẻ lạm dụng trẻ em thực hiện các hành vi phạm tội; trẻ dành quá nhiều thời gian chơi các trò chơi bạo lực trên mạng; trẻ em bị bạn bè hoặc kẻ xấu thuyết phục chia sẻ hình ảnh nhạy cảm của mình; trẻ dễ bị những kẻ ấu dâm giả vờ cùng trang lứa lừa đảo, bắt nạt và xâm hại trên mạng.
“Khi xâm hại xảy ra trên môi trường mạng thì những người làm cha mẹ thường không nhận thức được những nguy cơ và cũng không biết được những gì con em mình đã phải trải qua trên mạng. Đối với trẻ em, các em sẽ thấy cô đơn buồn bã. Khi bắt nạt xảy ra ở trường thì mọi người có thể thấy được, nhưng khi nó xảy ra trên môi trường mạng thì sự tàn nhẫn, xâm hại có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tinh thần và sự tự tin của trẻ em, khiến các em cảm thấy bị cô lập và cô đơn. Chúng tôi khuyến khích các bậc cha mẹ dành thời gian trò chuyện với con em mình, xác định các chiến lược bảo vệ và khuyến khích trẻ em đứng lên bảo vệ nhau, đề cao lòng tốt và bảo vệ nhau khỏi bị xâm hại", bà Flowers chia sẻ đồng thời kêu gọi mọi người cùng hành động để internet trở thành môi trường an toàn cho trẻ em học tập, giao tiếp và thể hiện bản thân.
Theo khảo sát mới đây của UNICEF, một số thanh thiếu niên ở Việt Nam là nạn nhân của bắt nạt và quấy rối trên mạng từ các bạn đồng trang lứa, tuy nhiên, 3/4 trong số các em không biết tìm kiếm sự hỗ trợ ở đâu. Ngày càng có nhiều trường hợp tội phạm tình dục và buôn bán trẻ em được trình báo, trong đó chủ yếu là nam giới sử dụng internet và điện thoại di động để quyến rũ, lôi kéo và tống tiền trẻ em nhằm xâm hại các em. Đối với trẻ em sử dụng internet, có rất ít các biện pháp được thực hiện để bảo vệ các em khỏi những mối nguy hiểm của lạm dụng kỹ thuật số hoặc tăng tiếp cận với các nội dung lành mạnh trên mạng một cách an toàn.
Với chương trình bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, UNICEF kỳ vọng Chính phủ Việt Nam sẽ hợp tác với ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông để theo kịp tốc độ thay đổi và bảo vệ trẻ em khỏi những nguy cơ, tác hại mới cũng như đảm bảo rằng internet luôn an toàn cho trẻ em. Khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội cần được khuyến khích đưa ra các giải pháp và cơ hội khác nhau để bảo vệ trẻ em trên mạng./.